vĐồng tin tức tài chính 365

Miền Tây linh động điều trị F0 tại nhà

2021-11-11 07:16

Theo ghi nhận từ dữ liệu thống kê của Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 các địa phương trong vùng ĐBSCL, từ ngày 1-11 đến nay, mỗi ngày toàn vùng đều có trên 2.300 ca nhiễm mới được ghi nhận. Để giảm tải cho hệ thống y tế tuyến trên, các tỉnh, thành trong vùng đã và đang triển khai điều trị F0 tại nhà.

Nguy cơ quá tải hệ thống y tế

Theo BS Ngô Văn Tán, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre, trong những ngày qua tình hình dịch bệnh COVID-19 tại địa phương có chiều hướng tăng số ca nhiễm, xuất hiện nhiều ổ dịch mới ngoài cộng đồng và số ca ghi nhận tại các ổ dịch cao, có nguy cơ bùng phát dịch trên toàn tỉnh.

“Với con số hiện tại, các cơ sở thu dung, điều trị bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại các cơ sở y tế của tỉnh đủ đáp ứng nhu cầu điều trị. Tuy nhiên, nhận định tình hình dịch COVID-19 có chiều hướng tăng số ca nhiễm, nên tỉnh đã triển khai cho TP Bến Tre thực hiện thí điểm quản lý, điều trị, chăm sóc đối với F0 tại nhà trong thời gian tới theo hướng dẫn của Bộ Y tế” - giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre cho hay.

BS Trần Thanh Thảo, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Tiền Giang, cho biết hiện các bệnh viện điều trị COVID-19 tầng 3 trong tỉnh hoạt động 95,6% công suất. Trước tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, xuất hiện các chùm ca, ổ dịch lớn với nhiều ca mắc, tỉnh Tiền Giang đã triển khai công tác điều trị F0 tại nhà đối với các trường hợp là F0 mức độ nhẹ nhằm giảm tải cho các cơ sở thu dung, điều trị.

Những địa phương tiên phong điều trị F0 tại nhà

Các tỉnh, thành vùng ĐBSCL như An Giang, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau… đã và đang triển khai điều trị F0 không triệu chứng tại nhà, trong đó An Giang đã mở rộng phạm vi toàn tỉnh.

Trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Quang Hiền, Giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang, cho biết từ ngày 1-11, tỉnh đã triển khai thí điểm cách ly, điều trị các F0 không triệu chứng tại nhà ở TP Long Xuyên, Châu Đốc và thị xã Tân Châu.

“Sau khi triển khai thí điểm, hiện nay tỉnh đã chính thức triển khai cho F0 không triệu chứng điều trị tại nhà trên phạm vi toàn tỉnh. Các trạm y tế lưu động đã được triển khai khắp các xã trên địa bàn tỉnh cùng với tổ COVID-19 cộng đồng, các lực lượng y tế hướng dẫn bệnh nhân theo dõi, chăm sóc sức khỏe tại nhà. Phía bệnh nhân và người nhà cũng chấp hành tốt các quy định về phòng chống dịch” - giám đốc Sở Y tế tỉnh An Giang cho biết.

Miền Tây linh động điều trị F0 tại nhà - ảnh 1
Trang thiết bị được trang bị tại Trạm y tế lưu động phường 1, TP Cà Mau - một trong 96 trạm y tế lưu động trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Ảnh: CDC CÀ MAU

Cũng theo ông Hiền, mỗi ngày các bác sĩ sẽ thăm khám sức khỏe bệnh nhân qua Zalo, bệnh nhân cũng được phát máy đo SpO2. Khi có các triệu chứng gì mới, tự bệnh nhân hoặc người nhà thông báo ngay với lực lượng chăm sóc qua hệ thống Zalo, lực lượng y tế sẽ có mặt kiểm tra và xử lý, nếu bệnh chuyển biến nặng thì được chuyển đến bệnh viện điều trị. Hiện tỉnh cũng đang hướng đến sẽ thành lập hệ thống phần mềm quản lý các trường hợp F0 điều trị tại nhà bài bản hơn.

Còn tại Tiền Giang, thông tin từ Sở Y tế tỉnh này cho biết tính đến ngày 9-11, toàn tỉnh có sáu huyện, thị, TP đã thực hiện việc điều trị F0 tại nhà với 277 F0. Trong số này có hai F0 tại TP Mỹ Tho và 13 F0 tại thị xã Cai Lậy phải chuyển đến bệnh viện dã chiến điều trị để phù hợp với diễn tiến bệnh. Để hỗ trợ phòng chống dịch và điều trị F0 tại nhà, hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 172/172 xã, phường, thị trấn đã thành lập trạm y tế lưu động.

Theo BS Ngô Văn Tán, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre, việc điều trị F0 tại nhà, nơi cư trú trong địa bàn tỉnh sẽ áp dụng đối với bệnh nhân COVID-19 nhẹ, không triệu chứng và đáp ứng các tiêu chí của Bộ Y tế về chỉ định điều trị ngoại trú tại nhà, được nhân viên y tế, chính quyền địa phương kiểm tra và xác nhận đủ điều kiện. Sau khi thực hiện thí điểm điều trị F0 tại nhà ở TP Bến Tre, các huyện khác trong tỉnh cũng sẽ thực hiện theo nhằm đáp ứng tình hình nếu dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca bệnh tăng nhanh tại địa phương.

Ông Hà Văn Phúc, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, cho biết địa phương đã triển khai thí điểm điều trị F0 và cách ly F1 tại nhà. Với F0, việc điều trị tại nhà cũng có những khó khăn riêng, cụ thể thay vì quản lý tập trung thì phải chia nhỏ lực lượng ra. Phải sử dụng y tế lưu động và các lực lượng khác, trong đó có lực lượng y tế, do đó quản lý sẽ khó khăn hơn. Cạnh đó còn phải tùy thuộc vào ý thức người dân, điều kiện gia đình.

Địa phương tự chủ thành lập trạm y tế lưu động

Về việc vận hành trạm y tế lưu động, theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Trung ương vẫn hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng chống dịch. “Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn tạm thời mô hình trạm y tế lưu động trong bối cảnh dịch COVID-19 từ tháng 8-2021. Việc thành lập, theo dõi, quản lý trạm y tế lưu động là do mỗi địa phương căn cứ vào tình hình mà quyết định” - Thứ trưởng Sơn cho hay.

Nhiều tỉnh đang chờ kích hoạt điều trị F0 tại nhà

Chiều 10-11, trao đổi với PV, ông Phạm Phú Trường Giang, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế TP Cần Thơ, cho biết sở đã làm kế hoạch, đang trình UBND phê duyệt rồi mới tổ chức triển khai cho các đơn vị thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP về việc cho F1, F0 cách ly, điều trị tại nhà.

Theo ông Giang, TP đã triển khai trạm y tế lưu động ở 83 xã, phường, thị trấn. “Khó khăn lớn nhất của TP hiện nay là chưa có vaccine để tiêm mũi 2 và vaccine tiêm cho trẻ em. Tỉ lệ tiêm vaccine mũi 2 còn rất thấp (mới đạt 35,1%) nên TP mong muốn được phân bổ thêm vaccine để tiêm mũi 2, đồng thời phân bổ loại vaccine để tiêm cho trẻ em theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Nếu tỉ lệ phủ vaccine mũi 2 của TP đầy lên thì tỉ lệ người nhiễm cũng nhẹ nhàng, điều trị cũng nhẹ” - ông Giang cho hay.

Miền Tây linh động điều trị F0 tại nhà - ảnh 2

Tại Cà Mau, trước diễn biến dịch đang có dấu hiệu phức tạp, hơn một tuần qua tỉnh đã triển khai phương án F0 không triệu chứng được cách ly, điều trị tại nhà. Hiện tỉnh này đã thành lập 96 trạm y tế lưu động, trực thuộc các trung tâm y tế huyện, TP trong tỉnh và đã có 43 trạm y tế lưu động sẵn sàng cho hỗ trợ điều trị F0 tại nhà theo chủ trương của UBND tỉnh này. Ngoài việc chuẩn bị địa điểm, nhân lực, Cà Mau đã mời các chuyên gia từ TP.HCM hỗ trợ tập huấn công tác điều trị F0. Cái thiếu trong điều trị F0 tại nhà của Cà Mau hiện nay là nhân lực, mặt nạ ôxy, máy thở, đồ bảo hộ…

Bộ Y tế hỗ trợ sát sao các tỉnh, thành điều trị F0

Đại diện Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết Nghị quyết 128 của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” kèm theo hướng dẫn phân loại cấp độ dịch của Bộ Y tế đã nêu rõ: Ba tiêu chí về số ca mắc, tỉ lệ tiêm chủng vaccine và cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế quyết định cấp độ dịch và tình hình chống dịch của mỗi địa phương.

Hiện nay, một số tỉnh miền Tây, khu vực Tây Nguyên, Ninh Thuận, Bình Thuận có số ca mắc tăng cao, Hà Nội, TP.HCM cũng không phải ngoại lệ. Trước tình hình này, Bộ Y tế thường xuyên nắm bắt tình hình, hỗ trợ lực lượng trung ương về các tỉnh có nguy cơ cao nhằm hỗ trợ công tác điều trị, chăm sóc bệnh nhân COVID-19.

Địa phương sẽ căn cứ vào mức độ phức tạp của dịch và khả năng thu dung điều trị ở mỗi khu vực mà quyết định về cách ly tập trung hay cách ly tại nhà, điều trị F0 tại nhà hay không. HÀ PHƯỢNG 

Xem thêm: lmth.2717201-ahn-iat-0f-irt-ueid-gnod-hnil-yat-neim/ioh-ax/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Miền Tây linh động điều trị F0 tại nhà”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools