Chiều 10-11, Quốc hội (QH) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung. Những nội dung liên quan đến hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và làn sóng người dân tràn về quê tránh dịch khiến nhiều tỉnh, thành thiếu người lao động được các đại biểu (ĐB) đặc biệt quan tâm.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình Nguyễn Thị Thu Dung (trái) chất vấn
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung. Ảnh: TTXVN
Chậm hỗ trợ người dân
Tại phiên chất vấn, nhiều ĐBQH cho rằng việc thực hiện triển khai các gói hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 còn chậm, thủ tục gây khó khăn. Bên cạnh đó còn có gói hỗ trợ tiêu chuẩn quá cao, chưa sát với thực tiễn, chưa phù hợp với điều kiện và nhu cầu của doanh nghiệp, nhiều địa phương thực hiện quá máy móc…
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết qua đánh giá, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước hầu hết đều đi vào cuộc sống, hiện đã giải ngân khoảng 60.000 tỉ đồng, hỗ trợ được 40 triệu lượt người và 500.000 đơn vị sử dụng lao động. Việc hỗ trợ được thực hiện công khai, minh bạch và đúng đối tượng.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận do giãn cách xã hội và số lượng người cần hỗ trợ quá lớn cùng thời điểm và có tính chất cấp bách nên khâu thực hiện còn có điều này điều kia. “Từ đó dẫn đến việc một số người dân chậm được nhận, một số chưa được nhận, thậm chí có phát nhầm, nhận nhầm” - ông nói và cho biết trong đợt dịch thứ tư, Thủ tướng đã giao bộ khẩn trương xây dựng các chính sách hỗ trợ.
Đây là các chính sách chưa từng có tiền lệ và bộ đã làm ngày làm đêm để kịp thời hỗ trợ cho người dân. Theo đó, các gói hỗ trợ đã được ban hành nhanh và thông thoáng nhất có thể. “Đối với Nghị quyết 116 thì người lao động không phải kê khai bất kỳ nội dung gì, bảo hiểm xã hội sẽ tự động chuyển tiền hỗ trợ vào tài khoản. Chỉ trong năm ngày, hơn 363.000 doanh nghiệp đã được hưởng hỗ trợ” - Bộ trưởng Dung dẫn chứng.
Cũng liên quan đến việc hỗ trợ người dân, ĐB Lê Hoàng Hải (Đoàn ĐBQH Đồng Nai) chất vấn: “Báo cáo tổng kết kết dư Quỹ bảo hiểm xã hội còn gần 1 triệu tỉ đồng, các quỹ ngắn hạn cũng còn nhiều. Bộ trưởng suy nghĩ gì về việc này, sao không chi nhiều hơn cho người dân?”.
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết vừa qua Nhà nước đã sử dụng một số kết dư, giảm một số quỹ bảo hiểm ngắn hạn để hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động với tổng số tiền khoảng 50.000 tỉ đồng. “Hiện Quỹ bảo hiểm xã hội còn xấp xỉ 1 triệu tỉ đồng nhưng gần 900.000 tỉ đồng trong số này là của quỹ hưu trí, tử tuất. Đây là quỹ dài hạn, là lương, là cuộc sống của hàng triệu người. Về nguyên tắc thì không sử dụng quỹ này cho việc khác được” - ông nhấn mạnh.
Đứt gãy chuỗi cung ứng lao động
Vấn đề làn sóng người dân tràn về quê tránh dịch gây thiếu hụt người lao động tại nhiều địa phương, ĐB Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn ĐBQH Thái Bình) đặt câu hỏi: “Đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nề, trong đó có nguy cơ làm gián đoạn chuỗi cung ứng lao động. Vậy giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?”.
Theo Bộ trưởng Dung, phải thực hiện cả ba giải pháp căn bản là giữ chân người lao động, thu hút người lao động quay lại và điều tiết người lao động. Bộ LĐ-TB&XH đã xây dựng ba kịch bản, kịch bản xấu nhất là sử dụng một số sinh viên của một số trường để bổ sung lao động. Đồng thời tăng cường bồi dưỡng kỹ năng để có thể sử dụng những thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự và công an để cung ứng lao động tạm thời tại một số địa bàn, lĩnh vực. Còn về dài hạn thì Nhà nước cùng doanh nghiệp có trách nhiệm đào tạo, chăm lo cho người lao động.
Trước đó, Bộ trưởng Dung cũng cho biết qua thống kê sơ bộ của 63 địa phương thì có tới 1,3 triệu người về quê tránh dịch, trong đó Hà Nội, TP.HCM và các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam. Khoảng 30% trong số những người đã về quê có nhu cầu trở lại TP, 30% muốn chuyển sang lĩnh vực hoạt động khác, số người còn lại thì muốn ở lại quê với nhu cầu được tạo việc làm mới...
Có sự trục lợi chính sách hỗ trợ người bị ảnh hưởng do dịch Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, thời gian qua có 12 đoàn đi kiểm tra ở 33 địa phương về triển khai các gói hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Kết quả cho thấy có xảy ra trục lợi ở một số địa phương. Chẳng hạn, gói Nghị quyết 42 đã phát hiện và xử lý bốn trường hợp, trong đó có những địa phương phải cách chức cả bí thư, chủ tịch Mặt trận... vì để người nhà trong danh sách hộ nghèo, trong danh sách hưởng chính sách. Trong gói Nghị quyết 68 cũng xử lý, thậm chí là khởi tố hình sự hai trường hợp trục lợi. “Tôi tin rằng không tránh được việc trục lợi nhưng về cơ bản các địa phương đã đảm bảo được công khai, minh bạch, đúng đối tượng” - ông Dung nói. |