TS Phạm Thị Thùy Phương (giữa) và một số thành viên thuộc nhóm nghiên cứu - Ảnh: NVCC
Ngày 10-11, tin từ Viện hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết Quỹ toàn cầu Hitachi (The Hitachi Global Foundation) vừa gửi thư thông báo công trình "Phát triển và ứng dụng hệ cảm biến sinh học để xác định nhanh BOD và độ độc trong nước" do nhóm nghiên cứu của TS Phạm Thị Thùy Phương - thuộc Viện Công nghệ hóa học - thực hiện đã giành giải đặc biệt (Best Innovation Award) của Giải thưởng đổi mới sáng tạo châu Á 2021. Giải thưởng trị giá 3 triệu yen, tương đương 600 triệu đồng.
Giải thưởng này vinh danh nghiên cứu của TS Phạm Thị Thùy Phương và các cộng sự vì đã tạo ra hệ nghiên cứu cảm biến sinh học cho phép xác định giá trị BOD và độc tính trong nước chính xác với hệ số biến thiên thấp, thời gian phân tích nhanh, dễ sử dụng... để xác định nhanh chất lượng nước thải.
Với chi phí đầu tư và vận hành thấp, hệ cảm biến sinh học này được kỳ vọng có thể ứng dụng trong các hệ thống quan trắc môi trường tự động và liên tục. Qua đó, đánh giá chất lượng nước trực tiếp tại nguồn hướng đến mục tiêu cảnh báo sớm nhằm giảm thiểu những sự cố môi trường, góp phần bảo vệ sự sống dưới nước và trên mặt đất.
Quỹ toàn cầu Hitachi được khởi xướng từ năm 1967 với mục tiêu thúc đẩy nghiên cứu học thuật trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Từ năm 2020, Quỹ toàn cầu Hitachi đã triển khai một chương trình mới mang tên Giải thưởng đổi mới sáng tạo châu Á (Asia Innovation Award).
Có tổng cộng 18 trường đại học và viện nghiên cứu ở 6 quốc gia tham gia, trong đó có 4 viện, trường đến từ Việt Nam.
TTO - TS Hà Thị Thanh Hương - trưởng bộ môn kỹ thuật mô và y học tái tạo, khoa kỹ thuật y sinh Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) - vừa trở thành nhà nghiên cứu trẻ Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng Early Career Award.