vĐồng tin tức tài chính 365

Dự thảo quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp: Xóa sổ trung cấp, sáp nhập cao đẳng

2021-11-11 11:09
Dự thảo quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp: Xóa sổ trung cấp, sáp nhập cao đẳng - Ảnh 1.

Sinh viên Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM trong giờ học thực hành - Ảnh: H.V.N.

Đây là một trong những nội dung quan trọng của dự thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đang được Bộ Lao động - thương binh và xã hội lấy ý kiến.

Giảm dần số trường

Theo dự thảo này, trong giai đoạn 2021-2025 giảm số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập 10% so với năm 2020. Trong đó, số trường trung cấp giảm 50% so với năm 2020. Rà soát, sắp xếp lại các trường nghề trên địa bàn tỉnh, thành phố thành một trường cao đẳng đa ngành, nghề nhằm thực hiện nhiệm vụ chính trị, phục vụ quản lý nhà nước. 

Mục tiêu hình thành 37 trường cao đẳng đa ngành công lập cấp tỉnh tại 37 tỉnh thành

Trong giai đoạn 2026-2030 thành lập, sắp xếp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn để hình thành mới 26 trường cao đẳng đa ngành công lập ở các tỉnh, thành phố còn lại. Trường trung cấp công lập được tồn tại đến năm 2030. 

Như vậy sau năm 2030, trường trung cấp công lập sẽ bị xóa sổ. Mỗi tỉnh thành chỉ có một trường cao đẳng đa ngành.

Về dự thảo này, ông Hoàng Ngọc Vinh - nguyên thành viên tổ tư vấn Ủy ban quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo, chuyên gia được mời phản biện đề án này - cho rằng việc sắp xếp lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp là cấp thiết. 

Bởi có giai đoạn các trường trung cấp, cao đẳng được quản lý bởi hai bộ khác nhau dẫn đến "bùng nổ" số lượng trường. Cùng địa bàn nhưng các trường chồng chéo ngành nghề gây lãng phí nguồn lực đầu tư, đất đai, tài chính, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.

"Tuy nhiên, việc sắp xếp cơ học, áp đặt như vậy là chưa hợp lý và không hiệu quả. Có những trường trung cấp rất uy tín, đào tạo chất lượng, tự chủ tốt vì sao phải xóa bỏ? Đó là chưa kể hiệu trưởng cao đẳng phải có chuyên môn liên quan ngành nghề đào tạo. Khi sáp nhập nhiều trường cao đẳng lại như vậy thì chuyên môn hiệu trưởng thế nào?" - ông Vinh đặt vấn đề.

Ở khía cạnh đơn vị trường bị sắp xếp theo dự thảo, bà Phạm Quang Trang Thủy - hiệu trưởng Trường trung cấp nghề Kỹ thuật công nghệ Hùng Vương (TP.HCM) - cho rằng việc sáp nhập, xóa bỏ toàn bộ trường trung cấp là "vô lý". 

"Mỗi nghề đều có nhiều cấp bậc đào tạo phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động. Mỗi trường có thế mạnh và sứ mệnh khác nhau. Những trường không đủ năng lực có thể tính toán sáp nhập hoặc giải thể. 

Những trường làm tốt, chất lượng đào tạo tốt, đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động vì sao phải sáp nhập hay xóa bỏ? Không biết trên thế giới đã có nước nào làm như vậy chưa. Việc sáp nhập cần có chọn lọc. Sáp nhập toàn bộ vào một trường hoàn toàn không ổn" - bà Thủy nói.

Tương tự, ông Phạm Đức Khiêm - hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế kỹ thuật TP.HCM - cho rằng việc đặt mục tiêu sáp nhập cứng như vậy không khả thi. Theo ông, mỗi trường có một thế mạnh, đặc thù khác nhau. Khi sáp nhập lại chưa nói việc quản lý khó khăn, chỉ nói việc thống nhất nội bộ đã là việc không đơn giản.

Phát sinh "siêu" trường

Tại TP.HCM, ngoài hàng chục trường trung cấp, cao đẳng công lập của các bộ ngành đóng trên địa bàn còn có hơn 10 trường cao đẳng, trung cấp thuộc thành phố. 

Theo dự thảo sắp xếp, các trường trung cấp sẽ sáp nhập dần vào trường cao đẳng, trường cao đẳng sáp nhập vào nhau và đến năm 2030, thành phố sẽ chỉ còn lại một trường cao đẳng. Đây sẽ là "siêu" trường cao đẳng với cả chục trường trung cấp, cao đẳng sáp nhập lại. 

Nhiều tỉnh thành khác nếu theo phương án này cũng sẽ hình thành các "siêu" trường cao đẳng vì có đến cả chục trường trung cấp, cao đẳng công lập đang tồn tại.

Ông Phạm Đức Khiêm cho biết năm nay số thí sinh nhập học vào trường đến từ 37 tỉnh, thành khác nhau. Trong số này có rất nhiều thí sinh các tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ. Một trong những mục tiêu quan trọng của thí sinh khi chọn trường là cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp. 

Ở các thành phố lớn, nhu cầu tuyển dụng lớn, cơ hội tiếp cận thực hành tại doanh nghiệp cao hơn. Do đó, khi quy hoạch cần phải xem xét tổng quan, quy mô dân số, kinh tế, lượng người học của từng vùng, địa phương chứ không nên sắp xếp cơ học, cào bằng. 

Ông Hoàng Ngọc Vinh cũng cho rằng cần có tiêu chí sàng lọc khi sáp nhập, không áp dụng một chỉ tiêu chung cho tất cả địa phương, vùng miền.

Hiệu trưởng một trường cao đẳng khác đặt câu hỏi có nhất thiết mỗi tỉnh phải có một trường cao đẳng? Tỉnh có quy mô dân số khoảng 1 triệu, kinh tế ít phát triển, số lượng học sinh ít, kinh tế nông nghiệp là chính cũng "cào bằng" về số trường với các thành phố lớn, dân số đông, kinh tế công nghiệp phát triển mạnh, nhu cầu nhân lực nhiều, như vậy là áp đặt và thiếu thực tế.

"Đó là chưa kể các trường ở tỉnh sinh viên sẽ ít có điều kiện thực hành, thực tập với các máy móc hiện đại tại các doanh nghiệp, chất lượng đào tạo sẽ thấp. Cào bằng như vậy sẽ khiến hệ thống giáo dục nghề nghiệp khập khiễng. Nơi có nhu cầu lớn nhưng thiếu chỗ học trong khi nơi có chỗ nhưng lại thiếu người học. 

Đó là chưa kể các trường trong cùng tỉnh, thành phố có trường làm tốt, có trường chưa tốt, khi sáp nhập lại sẽ kéo lùi sự phát triển chung của trường, nhất là các trường đã tự chủ. Nên có tiêu chí đưa ra sau bao nhiêu năm trường không đạt thì bị giải thể hay sáp nhập chứ không thể đưa ra tiêu chí máy móc như vậy" - vị này nói.

"1 người kéo ga, 10 người đạp thắng"

Hiện một số tỉnh như Quảng Nam, Bình Định, Bình Phước, Vĩnh Long đã thực hiện sáp nhập các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn tỉnh thành một trường cao đẳng. Tháng 1-2020, Trường cao đẳng Bình Phước được thành lập trên cơ sở sáp nhập Trường cao đẳng Sư phạm, Trường cao đẳng Y tế vào Trường cao đẳng nghề Bình Phước.

Khi thành lập, đơn thư tố cáo liên quan các trường này rất nhiều. Ông Lê Văn Mãi - phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Bình Phước - được điều kiêm nhiệm hiệu trưởng nhà trường.

"Lúc mới sắp xếp sáp nhập, đơn tố cáo rất nhiều vì mỗi người mỗi tính. Khi đó một người kéo ga, 10 người đạp thắng. Giờ tình hình đã ổn định hơn nên tôi xin thôi kiêm nhiệm hiệu trưởng" - ông Mãi chia sẻ.

Cũng theo ông Mãi, sau khi sáp nhập, một số nghề kỹ thuật công nghệ năm nay tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Sư phạm và sức khỏe cũng nhích lên.

"Chúng tôi đề xuất tuyển thêm giáo viên khối kỹ thuật công nghệ để nhận nhiều học sinh hơn cho khối ngành này nhưng không được chấp thuận. Tuy khối ngành này thiếu nhưng giáo viên khối sức khỏe và sư phạm lại dư. Tính tổng thì trường đủ giáo viên nên không được tuyển thêm. Đó là điểm bất cập hiện nay" - ông Mãi nói thêm.

Nhìn nhận về giáo dục nghề nghiệp: Yếu ngoại ngữ và các kỹ năng mềmNhìn nhận về giáo dục nghề nghiệp: Yếu ngoại ngữ và các kỹ năng mềm

TTO - Ngày 9-4, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) tổ chức tọa đàm khoa học về dự thảo "Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045".

Xem thêm: mth.36401559011111202-gnad-oac-pahn-pas-pac-gnurt-os-aox-peihgn-ehgn-cud-oaig-ioul-gnam-hcaoh-yuq-oaht-ud/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Dự thảo quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp: Xóa sổ trung cấp, sáp nhập cao đẳng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools