Tháng trước, Wang Lijie dự kiến dành 3 ngày ở Sa mạc Gobi để thăm thú khu rừng nổi tiếng khi những hàng cây chuyển màu vàng rực rỡ. Nhưng cư dân đến từ Bắc Kinh này sau đó lại mắc kẹt tới hơn 3 tuần, phần lớn thời gian là để cách ly, sau khi giới chức phát hiện một cụm ca mắc Covid-19 ở thành phố lân cận.
Wang Lijie là một trong số hơn 9.000 khách du lịch bị mắc kẹt ở Ejin Banner, một khu vực xa xôi trên sa mạc Gobi ở Nội Mông.
Trong bối cảnh tỷ lệ tiêm chủng đã gia tăng ở nhiều khu vực trên thế giới và ngay cả những nước trước đây từng theo đuổi chiến lược loại bỏ Covid-19 cũng đã thận trọng nới lỏng hạn chế, Trung Quốc vẫn kiên trì theo đuổi chiến lược này.
Các nước đã sống chung với dịch bệnh, Trung Quốc vẫn kiên trì theo đuổi Zero Covid-19 (Ảnh: AP)
“Cái giá của việc nới lỏng hạn chế còn cao hơn nhiều”
Trung Quốc là quốc gia đầu tiên thực hiện cách tiếp cận loại bỏ Covid-19, với các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt, xét nghiệm quy mô lớn và cách ly tập trung khi dịch bệnh bùng phát tại Vũ Hán. Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn theo đuổi chiến lược này mặc dù 77% dân số 1,4 tỷ người đã tiêm chủng đầy đủ và chiến dịch tiêm mũi tăng cường cũng bắt đầu được triển khai.
“Cái giá của chiến lược Zero Covid-19 thực sự cao, nhưng cái giá của việc không kiểm soát dịch bệnh và nới lỏng hạn chế còn cao hơn nhiều”, ông Chung Nam Sơn, bác sỹ hàng đầu của Trung Quốc trả lời phỏng vấn trên truyền hình mới đây.
Nhiều người có thể thấy mình ở “sai địa điểm, sai thời điểm” như các du khách ở Sa mạc Gobi. Một số người đã di chuyển trên xe buýt tới 18 giờ đồng hồ để đi du lịch nhưng cuối cùng lại phải cách ly ở một thành phố khác.
Một số người đến từ Bắc Kinh đã phàn nàn trên mạng xã hội về việc rời nhà đi công tác và không biết đến khi nào mới có thể quay trở về nhà.
Các biện pháp hạn chế đang tác động đến nhiều doanh nghiệp, ngay cả những chuỗi nhà hàng đang phát triển mạnh mẽ. Điều này có thể nhận thấy rõ ràng ở những địa phương như Thụy Lệ (Ruili), thành phố ở phía Tây Nam Trung Quốc bị đóng cửa liên tục trong năm nay.
Dù vậy, giới chức Trung Quốc vẫn kiên định với chiến lược kiểm soát dịch Covid-19 hiện nay và giữ số ca tử vong do Covid-19 ở mức thấp.
Tới nay, Trung Quốc ghi nhận 4.600 ca tử vong do Covid-19, trong khi con số này ở Mỹ - quốc gia có dân số chưa bằng 1/4 dân số Trung Quốc, là hơn 755.000 trường hợp.
Đưa số ca mắc Covid-19 về 0 là không thực tế
Trong gần 4 tuần qua, Wang đã có 18 lần xét nghiệm Covid-19. Dù vậy, anh không phàn nàn về điều này. Wang có thể làm việc từ xa và đã bắt đầu một vlog về cuộc sống hàng ngày của mình, tương tác trực tuyến với các cư dân của Nội Mông.
“Dù bạn phải hy sinh thời gian hay bao nhiêu tiền bạc, nhưng với cuộc sống và sức khỏe, những điều đó đều không đáng nói. Vì sức khỏe của mọi người, vì xã hội ổn định hơn, một số người cần phải hy sinh”, Wang nói.
Chiến lược của Trung Quốc trở nên khác biệt khi nhiều quốc gia chuyển sang cố gắng sống chung với virus, đặc biệt là khi virus tiếp tục biến đổi và vaccine không thể ngăn ngừa hoàn toàn nguy cơ lây nhiễm.
Đáng chú ý nhất là New Zealand, quốc gia từ lâu đã theo đuổi chiến lược Zero Covid-19, tháng trước đã công bố một kế hoạch thận trọng nhằm nới lỏng hạn chế. Australia, Thái Lan và Singapore - những nước đều từng áp đặt các hạn chế đi lại nghiêm ngặt đối trong phần lớn thời gian đại dịch - cũng đã bắt đầu mở cửa biên giới.
Ngược lại, Trung Quốc đã giảm 21% số chuyến bay chở khách quốc tế đến nước này trong tháng 10 xuống 408 chuyến mỗi tuần, đồng thời tăng 28% số chuyến bay chở hàng.
Tại Singapore, quốc gia bắt đầu cho phép nhập cảnh miễn kiểm dịch đối với những du khách đã được tiêm phòng đầy đủ từ một số quốc gia nhất định, số ca mắc mới đã tăng lên hàng nghìn ca mỗi ngày so với 100 ca trước đây. Nhưng hầu hết các ca mới đều không phải nhập viện.
Người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh của Trung Quốc, Gao Fu, gần đây nói rằng nước này có thể mở cửa khi 85% dân số được tiêm chủng đầy đủ.
“Hoàn toàn không thực tế khi nghĩ rằng bạn có thể đưa số ca mắc Covid-19 về mức 0”, ông Dale Fisher, giáo sư tại trường y của Đại học Quốc gia Singapore cho biết.
Dù vậy, ở Trung Quốc, một tỷ lệ nhỏ những người mắc Covid-19 phải nhập viện cũng có thể là một vấn đề lớn
“Tôi nghĩ điều mà giới lãnh đạo, các học giả và quan chức y tế công cộng Trung Quốc lo ngại là ngay cả một sơ hở nhỏ cũng có thể dẫn đến đợt bùng phát trên quy mô lớn hơn nhiều”, ông Yanzhong Huang, một thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cho biết.
Hoàng Phạm
VOV
Xem thêm: nhc.38172455111111202-91-divoc-orez-ioud-oeht-irt-neik-nav-couq-gnurt-oas-iv/nv.zibefac