Thuốc kháng virus Molnupiravir đã được ngành y tế TP.HCM phân bổ cho các quận huyện cấp phát cho F0 có triệu chứng nhẹ - Ảnh: N.L.T.
Ngày 11-11, Sở Y tế TP.HCM cho biết đã có văn bản gửi Bộ Y tế, Cục Khoa học công nghệ và đào tạo báo cáo kết quả kiểm tra việc quản lý thuốc kháng virus Molnupiravir trong chương trình thí điểm điều trị có kiểm soát F0 tại nhà và cộng đồng ở TP.HCM.
Cụ thể, ngày 18-9 qua theo dõi, kiểm tra, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phát hiện một số thông tin quảng cáo, kinh doanh thuốc kháng virus Molnupiravir trên mạng xã hội (Facebook, Zalo).
Sở Y tế đã phối hợp với Phòng an ninh chính trị nội bộ (PA03) và Phòng cảnh sát kinh tế (PC03) - Công an TP.HCM, bám sát các nguồn tin, theo dõi đối tượng để làm rõ vụ việc.
Đến ngày 25-9, Sở Y tế và PA03 đã xác định một số đối tượng và đơn vị liên quan đến hành vi kinh doanh thuốc Molnupiravir trên địa bàn TP.HCM. Cụ thể quận 10, quận Bình Tân, quận Tân Phú được cho là các địa phương có dấu hiệu liên quan.
Mặt khác, Sở Y tế đã phối hợp PA03 kiểm tra đột xuất một số đơn vị như: Công ty TNHH Dược Sài Gòn (Sapharco), Trung tâm Y tế TP Thủ Đức, Trung tâm Y tế quận 7.
Tại quận Bình Tân, tổ công tác của Công an TP.HCM cùng lực lượng địa phương đã khám xét, kiểm tra nơi làm việc, kho dược của Trung tâm Y tế quận. Kết quả tại thời điểm kiểm tra cho thấy lượng thuốc Molnupiravir còn thiếu 60 hộp (trong đó ghi nhận một dược sĩ đã cấp cho các khu cách ly 20 hộp và thiếu 40 hộp). Liên quan vụ việc, dược sĩ tại kho dược này cũng được đưa về trụ sở công an để tiếp tục điều tra.
Tại các đơn vị khác không có chênh lệch thuốc, sai lệch hồ sơ hay các vấn đề khác.
Hiện nay, vụ việc kinh doanh thuốc Molnupiravir đang được Công an TP.HCM phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra quận 10, Tân Phú, Bình Tân thụ lý.
Nhằm đảm bảo hiệu quả của thuốc, quyền lợi người bệnh, tránh lợi dụng tình trạng dịch bệnh để trục lợi, Sở Y tế TP đề nghị các cơ sở nghiêm túc tuân thủ đề cương nghiên cứu và hướng dẫn việc sử dụng thuốc điều trị COVID-19. Việc cấp phát cần thực hiện kịp thời, quản lý, theo dõi chặt chẽ.
Các phòng chức năng của Sở Y tế chịu trách nhiệm phối hợp theo dõi, tham mưu, giám sát chặt chẽ cơ sở y tế, trạm y tế trong việc cấp phát thuốc để sớm phát hiện tồn tại, ngăn chặn tiêu cực. Thuốc Molnupiravir không sử dụng hết phải được thu hồi, hoàn trả để Sở Y tế xử lý đúng quy định chuyên môn.
Trung tâm Y tế TP Thủ Đức, các quận, huyện chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra thường xuyên việc cấp, phát thuốc điều trị F0. Cơ sở được phân phối thuốc cần phối hợp Công an TP.HCM giám sát, kiểm tra đột xuất các đơn vị, xác minh ngẫu nhiên bệnh nhân đã dùng thuốc Molnupiravir.
Từ ngày 27-8, Bộ Y tế cùng Sở Y tế TP.HCM đưa thuốc kháng virus Molnupiravir vào điều trị cho các ca F0 trong cộng đồng.
Trước đó, Bộ Y tế đã cấp phép triển khai chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát Molnupiravir trong điều trị COVID-19 tại TP.HCM từ giữa tháng 8-2021 và hiện nay đã mở rộng triển khai tại 22 địa phương có dịch trong toàn quốc.
Đến ngày 6-10, bộ đã ban hành phác đồ điều trị cho những bệnh nhân COVID-19, trong đó có đưa thuốc Molnupiravir vào phác đồ điều trị có kiểm soát theo đề cương thuyết minh thử nghiệm lâm sàng.
TTO - Tại cuộc họp báo chiều 21-9, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cho biết đang phối hợp Công an TP điều tra tình trạng rao bán gói thuốc C trên mạng và sẽ xử lý vi phạm nếu có.