Chiều 11-11, tại buổi họp báo cung cấp thông tin tình hình dịch COVID-19, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã nêu những phân tích về số ca tử vong trong những ngày gần đây.
Ca tử vong tập trung ở người lớn tuổi, có bệnh nền
Theo ông Châu, hiện số ca thở oxy vẫn từ hơn 1.800 ca trở lên chứ chưa giảm, trong đó số ca thở máy xâm lấn dao động từ 230 đến 250 ca. Nếu như số ca tử vong giảm thấp nhất còn 21 ca vào ngày 30-10 thì sau đó con số này đang dao động từ 21 đến 42 ca.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM tại buổi họp báo. Ảnh: HOÀNG LAN
Theo phân tích số ca tử vong trong 2 ngày gần đây, bên cạnh số ca tử vong ở TP.HCM thì còn có một số ca là bệnh nhân nặng chuyển viện ở các tỉnh khác lên.
Riêng ngày 11-11, trong số 38 ca tử vong, có 3 ca ở Long An, Sóc Trăng và Bạc Liêu. Trong số này, có 34 ca có bệnh nền và 4 ca không có bệnh nền. Có 2 ca tử vong ở độ tuổi từ 18 đến 50 tuổi, 15 ca ở độ tuổi 50 đến 65 tuổi và 21 ca trên 65 tuổi (chiếm 55%). Như vậy, số ca tử vong vẫn tập trung ở người lớn tuổi và có bệnh nền.
Về lịch sử tiêm chủng, có 20 người chưa tiêm vaccine, trong số 20 người này có 12 người trên 65 tuổi và có bệnh nền, một số nằm liệt một chỗ nhiều năm nay được người nhà đưa vào bệnh viện. Còn lại có 2 người tiêm mũi 1, 10 người tiêm đủ 2 mũi đều trên 50 tuổi và có bệnh nền.
“Như vậy, nhóm nguy cơ tử vong là người cao tuổi, mắc bệnh nền, đặc biệt là những người nằm một chỗ lâu ngày chưa được tiêm vaccine” - ông Châu nhận định.
Điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện Quân Y 175. Ảnh: NGUYỆT NHI
Chuyển nặng ở nhóm đã tiêm vaccine thấp hơn
Để giảm số ca có nguy cơ tử vong cao, tại cuộc họp mới đây, ông Châu cho biết Sở Y tế đã lưu ý các Ban chỉ đạo phòng chống dịch quận huyện tìm kiếm, phát hiện những đối tượng lớn tuổi, nằm một chỗ chưa được tiêm vaccine để tiêm vaccine hoặc có giải pháp bảo vệ họ để tránh nguy cơ nhiễm bệnh. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng cần được chú trọng, những người trẻ cần cẩn thận khi di chuyển bên ngoài, tránh mang mầm bệnh về cho người thân hoặc đi thăm những người già yếu, nằm một chỗ tại nhà.
Lý giải về vấn đề người tiêm hai mũi vaccine vẫn tử vong, TS-BS Vĩnh Châu nhấn mạnh: Tiêm vaccine phòng COVID-19 làm giảm khả năng mắc bệnh, khi mắc bệnh thì giảm tỉ lệ bệnh nặng. Với chủng virus Delta, người tiêm đủ hai mũi vaccine vẫn nhiễm và nhiễm bệnh vẫn có tỉ lệ diễn tiến nặng và tử vong.
Tuy nhiên, so sánh giữa hai nhóm, tỉ lệ nhiễm bệnh và chuyển nặng ở nhóm có tiêm vaccine thấp hơn. “Nghiên cứu bỏ túi so sánh nhóm tiêm và không tiêm ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM thì số ca nặng, thở máy xâm lấn ít hơn đáng kể số không tiêm vaccine” - ông Châu nêu dẫn chứng.
Ông Châu kết luận dù tiêm đủ vaccine thì vẫn có trường hợp nặng và tử vong, theo các phân tích thì thường rơi vào nhóm có bệnh nền và lớn tuổi. Tuy nhiên, khi số ca bệnh tăng lên, không loại trừ người trẻ tuổi mắc bệnh nặng và tử vong, chẳng hạn có cơ địa đặc biệt khi hệ miễn dịch phản ứng dữ dội gây ra cơn bão cytokine, dù có đặt ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo) cũng không cứu được.