Ngày 9-11, Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế Mỹ (CSIS) đã công bố một số hình ảnh vệ tinh mới nhất về quá trình hoàn thiện tàu sân bay Type 003 của quân đội Trung Quốc (TQ) tại nhà máy đóng tàu Giang Nam thuộc TP Thượng Hải. Được biết cho đến hiện nay thì đây là tàu sân bay thứ hai do TQ tự đóng hoàn toàn. Trước đó, Bắc Kinh đã đóng tàu sân bay Sơn Đông và tàu này đã được đưa vào biên chế sử dụng từ hồi tháng 12-2019.
Trả lời phỏng vấn của Pháp Luật TP.HCM, ThS Nguyễn Thế Phương, giảng viên ngành quan hệ quốc tế thuộc ĐH Kinh tế - Tài chính (UEF), đã có một số nhận định về vấn đề này.
+ Phóng viên: Thưa ông, TQ đã và đang tiến hành chiến lược bành trướng trên Biển Đông. Việc phát triển tàu sân bay do nước này tự chế tạo có ý nghĩa như thế nào đối với chiến lược của họ. Nói cách khác, họ sẽ sử dụng tàu này như thế nào trong thời gian tới?
+ ThS Nguyễn Thế Phương: Về mặt kỹ thuật, Type 003 là tàu sân bay lớn và mạnh nhất được thiết kế và chế tạo bên ngoài nước Mỹ. Thông qua đánh giá kỹ thuật, ngoài các tàu sân bay của Mỹ thì Type 003 là một trong những tàu sân bay có năng lực lớn nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện tại.
Type 003 có nghĩa là tàu sân bay thứ ba của TQ. Hai tàu sân bay trước đó là Liêu Ninh và Sơn Đông. Hai tàu này được thiết kế dựa trên nguyên mẫu tàu sân bay cũ của Liên Xô. Trong khi đó, Type 003 được thiết kế dựa trên nền tảng công nghệ khá hiện đại mà được mô phỏng theo xu hướng thiết kế của Mỹ. Điều này cho thấy TQ muốn tiếp thu công nghệ tối tân nhất để hình thành hạm đội tàu sân bay, làm nền tảng cho sức mạnh hải quân của nước này.
TQ có thể đã khởi đóng tàu sân bay Type 003 từ giữa năm 2010. Tuy nhiên, từ khi hạ thủy đến khi được chính thức đưa vào biên chế phải mất 2-3 năm nữa. Điều này cho thấy TQ phải dành rất nhiều thời gian - 10 năm từ khi đóng cho đến khi hạ thủy thì mới chế tạo được tàu sân bay hoàn chỉnh.
Nói cách khác, tàu sân bay TQ sẽ xuất hiện trên các vùng biển vào khoảng năm 2024-2025.
Ý đồ từ việc Trung Quốc đẩy mạnh xây dựng tàu sân bay
+ Phóng viên: Thưa ông, TQ đã và đang tiến hành chiến lược bành trướng trên Biển Đông. Việc phát triển tàu sân bay do nước này tự chế tạo có ý nghĩa như thế nào đối với chiến lược của họ? Nói cách khác, họ sẽ sử dụng tàu này như thế nào trong thời gian tới?
+ ThS Nguyễn Thế Phương: Thứ nhất, TQ rõ ràng đang muốn thành cường quốc biển mạnh. Tàu sân bay là biểu tượng của một nước mạnh về biển. Đây là lý do tại sao từ năm 2000, TQ đẩy mạnh xây dựng tàu sân bay của họ.
Khi có tàu sân bay, TQ có thể hoàn toàn nắm giữ, kiểm soát mặt biển ở những nơi họ coi là chiến lược. Các vùng biển mà TQ coi là chiến lược hiện nay là toàn bộ khu vực biển nằm trong Chuỗi đảo thứ nhất và Chuỗi đảo thứ hai, trong đó có Biển Đông.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang trong quá trình đóng tàu sân bay Type 003. Ảnh: MAXAR
Việc TQ xây dựng hạm đội tàu sân bay không chỉ để tăng cường hiện diện ở Biển Đông mà còn ở vùng biển thuộc Chuỗi đảo thứ nhất và thứ hai, cũng như một phần ở tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương trong tương lai.
Thứ hai, TQ không chỉ chế tạo bâ tàu sân bay. Trong tương lai, nước này còn chế tạo nhiều tàu sân bay hơn nữa, mục tiêu là thành lập từ 3-4 nhóm tác chiến tàu sân bay. Tác chiến tàu sân bay là mô hình TQ học từ Mỹ.
Bởi vì một tàu sân bay là không đủ để vận hành một nhóm tác chiến tàu sân bay hiệu quả, những năm gần đây TQ đã đẩy nhanh tốc độ xây dựng tàu chiến (15-20 tàu mỗi năm). Điều này nhằm mục tiêu cuối cùng là xây dựng 3-4 hạm đội tàu sân bay.
Điều này cho thấy tham vọng của TQ không chỉ dừng ở Biển Đông mà còn là một phần nào đó ở tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương trong tương lai.
Tàu Trung Quốc có vượt được tàu Mỹ không?
+ Phóng viên: Một số chuyên gia quốc tế cho rằng tàu của TQ vẫn thua kém tàu của Mỹ dù mới được chế tạo. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
+ ThS Nguyễn Thế Phương: So sánh về mặt kỹ thuật và tác chiến, tàu sân bay TQ vẫn không bằng tàu của Mỹ.
So sánh cụ thể với tàu sân bay lớp Ford của Mỹ, năng lực của tàu TQ không bằng. Tàu Mỹ có bốn máy phóng trong khi của TQ chỉ có ba. Điều này khiến khả năng triển khai trên không của TQ thấp hơn.
Hơn nữa, cách bố trí khung thân của tàu TQ không hiệu quả bằng tàu sân bay Mỹ. Trong khi tàu TQ có hai thang máy nâng máy bay thì Mỹ lại có ba. Điều này giúp tàu Mỹ triển khai nhanh và hiệu quả hơn nhiều.
Xét về yếu tố con người, từ khi thành lập, TQ chưa từng trải qua cuộc chiến một đối một với một cường quốc lớn hơn mình, và nhất là trên biển. Vì thế, TQ thiếu kinh nghiệm tác chiến trên biển. Đây là điểm yếu lớn nhất của nước này khi không thể tối đa hóa sức mạnh của vũ khí.
TQ cũng chưa có kinh nghiệm đóng tàu sân bay, trong Mỹ đã có từ Thế chiến thứ II. Mỹ có cả kinh nghiệm vận hành và kinh nghiệm sử dụng vũ khí trong chiến tranh. Vì thế, cán cân sẽ nghiêng về Mỹ nếu có một cuộc xung đột nào đó xảy ra.