Tuy nhiên, các nước tham gia vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về các bước cần triển khai để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu.
Theo hãng tin Reuters, sau gần hai tuần đàm phán tại TP Glasgow (Anh), lãnh đạo gần 200 quốc gia có mặt tại COP26 vẫn bất đồng về một loạt vấn đề, như các nước phát triển cần bồi thường cho nước nghèo như thế nào về những thiệt hại do các thảm họa thiên nhiên liên quan khí hậu gây ra, cũng như các quốc gia cần phải cập nhật cam kết về cắt giảm khí thải của mình ra sao.
Dù không kỳ vọng sẽ xuất hiện cam kết môi trường mới vào ngày cuối cùng của COP26, song phái đoàn các nước vẫn đang nỗ lực áp đặt các yêu cầu để có thể buộc cộng đồng quốc tế cam kết nhiều hơn trong tương lai để giữ mục tiêu không để nhiệt độ Trái đất tăng quá 1,5 độ C trong tầm với.
Căn cứ nội dung dự thảo tuyên bố chung thứ hai
của hội nghị được công bố cùng ngày, các nước dự kiến được khuyến nghị đẩy nhanh tiến trình loại bỏ các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than đá “không trang bị công nghệ thu giữ khí thải carbon”, ngừng các khoản trợ cấp cho ngành khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Bên cạnh đó, một phần dự thảo cũng yêu cầu các quốc gia mang đến các kế hoạch cắt giảm khí thải lớn hơn trong hội nghị diễn ra vào năm 2022, tức là sớm hơn ba năm so với yêu cầu được nêu trong Hiệp định khí hậu Paris năm 2015 về khoảng thời gian mà các nước phải đệ trình các kế hoạch mới.
So với bản dự thảo đầu tiên công bố hôm 10-11, bản dự thảo thứ hai có nhiều điểm sáng hơn trong việc chỉ rõ tác động của nhiên liệu hóa thạch đối với nỗ lực chống biến đổi khí hậu, nhưng vẫn chưa đưa ra được các cam kết để đảm bảo các nước phát triển hỗ trợ tài chính cho các chương trình môi trường của các nước đang phát triển.