Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh lưu ý lạm phát đang diễn ra trên toàn cầu với mức độ cao dưới sự tác động của 4 yếu tố quan trọng. Đáng lưu ý, 4 yếu tố này đều hiện diện hoặc có sự tác động đến kinh tế nói chung và lạm phát nói riêng của Việt Nam, đẩy áp lực lạm phát năm 2022 tăng cao. "Việc cần làm là tiếp tục nhận diện rõ các yếu tố gây lạm phát để từ đó tính toán điều hành phù hợp" - TS Vũ Đình Ánh nói.
Lượng hóa ảnh hưởng của các yếu tố
Theo TS Vũ Đình Ánh, yếu tố thứ nhất ảnh hưởng đến lạm phát toàn cầu là giá nguyên vật liệu, giá khí đốt tăng cao, đặc biệt giá lương thực - thực phẩm tăng đến 30% trong năm nay. Thứ 2, sự đứt gãy chuỗi sản xuất, đặc biệt là chuỗi lưu thông, gây mất cân đối cung - cầu giữa các nền kinh tế đang phục hồi, khiến lạm phát toàn cầu bị đẩy lên. Thứ 3, hàng loạt quốc gia trên thế giới đồng loạt áp dụng các biện pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN) đối phó dịch Covid-19 thông qua các gói kích thích dòng tiền trong khi hàng hóa và sản phẩm dịch vụ không tăng tương ứng cũng là cội nguồn gây lạm phát. Cuối cùng, đại dịch khiến các nước giảm thu ngân sách, tăng chi, tăng vay nợ nên hầu hết thâm hụt sâu.
Giá xăng dầu tăng cao là một yếu tố quan trọng tác động đến lạm phát của Việt Nam năm 2022 .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
"Có một điểm thú vị là lạm phát thời điểm này của Việt Nam mới dừng ở 1,8%, là mức rất thấp. Tại sao vậy? Nguyên nhân nằm ở các gói hỗ trợ của Việt Nam nhỏ, triển khai muộn nên tác động có độ trễ. Cùng với đó, tuy Việt Nam lạm phát chi phí do giá nguyên vật liệu nhập khẩu tăng nhưng tổng cầu thấp nên nhiều nhà sản xuất không dám tăng giá thành. Do đó, nếu năm nay chúng ta không kích lạm phát thông qua kích thích tiêu dùng hoặc tăng giá thì lạm phát của năm 2022 sẽ gánh những yếu tố này" - TS Vũ Đình Ánh cảnh báo.
Theo chuyên gia này, trọng tâm điều hành chính sách năm 2022 bên cạnh các giải pháp hồi phục kinh tế thì phải tính tới yếu tố lạm phát. Nói cách khác, các biện pháp hồi phục đều phải đo lường, đánh giá tác động đến lạm phát, tránh lặp lại "vết xe đổ" của giai đoạn kích thích kinh tế năm 2009-2010.
TS Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Dự báo kinh tế ngành và DN thuộc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), cho biết NCIF đã cố gắng phân tích và lượng hóa được ảnh hưởng của giá dầu đến lạm phát. Theo đó, giá dầu đóng góp 1 điểm phần trăm đến lạm phát ở Việt Nam. Ngoài ra, dù ảnh hưởng của giá kim loại đến lạm phát chỉ 0,2 điểm phần trăm nhưng với các nhà sản xuất, đây cũng là điều đáng quan tâm. "Cần đánh giá đúng vấn đề tiềm ẩn hiện nay là chi phí đẩy như giá nhập khẩu tăng sẽ ảnh hưởng lớn đến lạm phát. Nếu không thì rủi ro chúng ta phải đối mặt trong quý II và III/2022, thậm chí cả năm 2022, là khá nặng nề" - ông Thắng nói và nhấn mạnh đây là thời điểm mà vấn đề kiểm soát lạm phát ở Việt Nam là cực kỳ quan trọng.
Cân nhắc khi điều hành lãi suất
Trong báo cáo vĩ mô tháng 11-2021, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định lạm phát thấp hiện nay sẽ tạo thêm dư địa cho nhà điều hành tiếp tục đẩy mạnh các chính sách nới lỏng tiền tệ. Thực tế, nhiều DN cũng kỳ vọng lãi suất cho vay giảm thêm để hỗ trợ hoạt động sản xuất - kinh doanh vốn đang gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, liệu dư địa của chính sách tiền tệ còn nhiều trong thời gian tới, đặc biệt là lãi suất cho vay có thể giảm thêm?
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết thời gian qua, NHNN đã có nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng thuộc mọi ngành nghề, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ngay từ năm 2020, NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành với mức giảm từ 1,5%-2%, là mức giảm sâu so với khu vực. Ở khía cạnh khác, Việt Nam có độ mở kinh tế lớn, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP là 200% nên có áp lực rủi ro của lạm phát nhập khẩu.
"Xu hướng lạm phát tăng nhanh khiến nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới đã và đang phải dừng, rút dần biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ. Đến nay, đã có 65 lượt tăng lãi suất trên thế giới. Bởi vậy, áp lực lạm phát và điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới nhìn từ tác động bên ngoài là rất lớn. Trong nước, nợ xấu tại các tổ chức tín dụng đang gia tăng và ngân hàng thương mại đang giảm lãi suất bằng nguồn lực tài chính của họ chứ không phải bằng ngân sách. Khi nợ xấu gia tăng, các tổ chức tín dụng phải dùng nguồn lực tài chính của mình để xử lý nợ xấu. Nếu tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng bị suy giảm thì sẽ ảnh hưởng đến khả năng chi trả và an toàn của hệ thống" - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhìn nhận.
Từ đó, NHNN cho biết để tránh rủi ro lạm phát quay trở lại như năm 2011 có thời điểm lên tới 18%, cần tính toán thận trọng trong công tác điều hành. NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo hệ thống tiết giảm chi phí hoạt động để tiếp tục giảm lãi suất nhưng vẫn phải bảo đảm tỉ lệ an toàn của từng tổ chức tín dụng và cả hệ thống để tránh tác động lan truyền. "Chúng tôi đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành như để tính toán các gói hỗ trợ lãi suất với quy mô, phạm vi, liều lượng hợp lý trên cơ sở vẫn phải bảo đảm các ổn định kinh tế vĩ mô và phòng ngừa rủi ro lạm phát trong thời gian tới cũng như phòng ngừa rủi ro đối với an toàn của hệ thống ngân hàng" - Thống đốc NHNN khẳng định.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 12-11
Cần tính đến yếu tố tâm lý
Theo TS Vũ Đình Ánh, với định hướng hỗ trợ lãi suất 4%, Việt Nam có thể sẽ phải bơm ra một gói hỗ trợ khoảng 1 triệu tỉ đồng. Tuy quy mô gói này chỉ bằng 1/10 tổng dư nợ tín dụng nhưng nếu bơm vốn vào khu vực rủi ro lớn như bất động sản, chứng khoán thì áp lực đối với lạm phát sẽ tăng theo cấp số nhân.
Trong khi đó, giá vàng trong nước ngày 12-11 đã lên đến đỉnh với mức 60,6 triệu đồng/lượng. Tỉ giá USD cũng có khả năng biến động mạnh khi các nước trên thế giới điều chỉnh chính sách tiền tệ... "Điều hành chính sách vĩ mô còn phải tính đến yếu tố tâm lý trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay để có thể giữ được khoảng tăng lạm phát hợp lý, tránh gây bất ổn chung" - TS Vũ Đình Ánh khuyến cáo.
Xem thêm: mth.99640431221111202-om-iv-hnah-ueid-iov-cuht-hcaht-tahp-mal-iov-ol-gnum/et-hnik/nv.moc.dln