Chiều 12/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, áp dụng từ 1/1/2022.
Theo đó, phiên tòa trực tuyến sẽ không được tổ chức trong các trường hợp sau: vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan bí mật nhà nước; án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia; án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh.
Phiên tòa trực tuyến cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia tại địa điểm ngoài phòng xử án. Địa điểm này do tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia các trình tự, thủ tục tố tụng vào cùng một thời điểm.
Trước đó, giải trình về dự thảo Nghị quyết, bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết trong quá trình thảo luận một số ý kiến đề nghị thí điểm; một số khác đề nghị không thí điểm.
Do phiên tòa trực tuyến liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân, tiếp thu ý kiến các đại biểu, dự thảo Nghị quyết không quy định tổ chức thí điểm. TAND tối cao có trách nhiệm báo cáo Quốc hội về hoạt động này trong báo cáo công tác hằng năm.
"Khi điều kiện chín muồi, sẽ xem xét, sửa đổi, bổ sung các luật tố tụng và đưa nội dung về tổ chức phiên tòa trực tuyến vào luật", bà Nga nói.
Về ý kiến đề nghị quy định có sự đồng ý của các bên mới được mở phiên tòa trực tuyến, chỉ xét xử trực tuyến khi không thể xét xử trực tiếp, bà Nga nói các hình thức đều tuân thủ đúng luật, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của những người tham gia tố tụng. Việc lựa chọn vụ án nào xử trực tuyến, tòa án căn cứ vào Nghị quyết và điều kiện từng vụ.
Xem thêm: lmth.5305834-2202-man-ut-gnud-pa-es-neyut-curt-aot-neihp/ten.sserpxenv