Vừa qua, Chủ tịch Foxconn Young Liu đã thông báo với các nhà đầu tư rằng: "Dựa trên tình hình đại dịch Covid-19 tăng và giảm ở quy mô toàn cầu, chúng tôi kỳ vọng tình trạng thiếu hụt linh kiện sẽ kéo dài ít nhất đến nửa sau năm tới, dài hơn so với dự kiến trước đó là hết nửa đầu năm 2022”. Theo ông Liu, Covid-19 và lạm phát vẫn là 2 nhân tố ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế thế giới và vẫn khó dự đoán.
Ông Liu cũng cho biết tập đoàn này kỳ vọng doanh thu quý IV ở một số mảng kinh doanh giảm so với năm trước, một phần do doanh thu cao cùng kỳ năm 2020, ngay cả khi tập đoàn đã và đang trụ vững trước cuộc khủng hoảng nguồn cung chip đang tàn phá ngành sản xuất ô tô và nhiều lĩnh vực khác. Tuy nhiên, doanh thu năm nay của Foxconn vẫn cao hơn dự kiến trước đó.
Cụ thể hơn, trong quý IV/2021, doanh thu từ đồ điện tử tiêu dùng cùng sản phẩm máy tính của Foxconn có thể giảm so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ sản phẩm dùng trong hạ tầng mạng và điện toán đám mây dự kiến sẽ không thay đổi nhiều, trong khi mảng sản xuất linh kiện điện tử vẫn có thể tăng trưởng trong quý 4. Trong năm 2022, mảng sản xuất thiết bị mạng và điện toán đám mây sẽ là động lực tăng trưởng của tập đoàn, theo Chủ tịch Liu.
Dù khủng hoảng chip vẫn đang diễn ra, Foxconn đã báo cáo doanh thu kỷ lục trong quý III/2021. Lợi nhuận ròng của tập đoàn này tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, lên mức 36,9 tỷ Tân Đài tệ (1,32 tỷ USD). Tính cả 3 quý của năm 2021, lợi nhuận ròng tăng 70% so với cùng kỳ năm 2021 lên mức 94,92 tỷ Tân Đài tệ (3,41 tỷ USD).
Foxconn là nhà cung ứng linh kiện lớn nhất của Apple, nhưng danh sách khách hàng của tập đoàn này còn bao gồm cả Google, HP, Facebook, Microsoft, Amazon và Cisco. Tập đoàn đóng vai trò lắp ráp sản phẩm và cung ứng linh kiện cho đủ loại thiết bị, từ smartphone, máy tính bảng, máy tính, máy chủ đến ô tô.
Doanh thu kỷ lục của Foxconn tương phản với các đối thủ quy mô nhỏ hơn như Pegatron và Luxshare. Lợi nhuận ròng của Pegatron giảm đến 60% trong quý III/2021 so với năm trước, xuống mức 2,6 tỷ Tân Đài tệ (93,5 triệu USD), trong khi lợi nhuận ròng của Luxshare giảm hơn 25% so với cùng kỳ 2020.
Luxshare cho biết giãn cách xã hội do Covid-19 tại Trung Quốc, thiếu hụt cung ứng linh kiện và nguyên vật liệu, chi phí logistics tăng cao đều ảnh hưởng đến lợi nhuận, hiệu quả sản xuất của công ty và gây trì hoãn tiến độ giao hàng. Trong năm nay, Luxshare đã bắt đầu sản xuất iPhone 13 - một dấu mốc quan trọng khi công ty này đang nỗ lực leo lên vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng của Apple.
Pegatron cho biết gián đoạn chuỗi cung ứng trong quý 3/2021, đặc biệt ở Việt Nam và Malaysia, đã tạo nên nhiều “nút cổ chai” trong quá trình sản xuất của công ty. Trước đó, Nikkei đã đưa tin về việc giãn cách xã hội ở Việt Nam ảnh hưởng đến dây chuyền sản xuất module camera của iPhone và kéo dài thời gian chờ lắp ráp và giao hàng sản phẩm này.
Trong khi các đối thủ gặp khó khăn, Foxconn lại đang tiếp tục thúc đẩy tham vọng sản xuất xe ô tô điện của mình. Theo chủ tịch Young Lịu, tập đoàn này sẽ bắt đầu sản xuất module pin và hợp tác với Gogoro - một nhà cung cấp hệ thống đổi pin và xe máy điện tại Đài Loan (Trung Quốc) - để thiết lập các trạm đổi pin ở Trung Quốc trong nửa đầu năm 2022. Foxconn cũng sẽ sản xuất hàng loạt linh kiện điện tử cho ô tô tại một nhà máy ở Mexico vào đầu năm sau.
Theo chủ tịch Liu, Foxconn đang nhắm đến Trung Đông, Ấn Độ và châu Âu trong kế hoạch sản xuất xe điện của mình và kỳ vọng doanh thu từ hoạt động kinh doanh liên quan đến ô tô vượt mức 10 tỷ Tân Đài tệ (359,7 triệu USD) trong năm 2021 và tiếp tục tăng vào năm 2022.
Tùng Phong (Theo Nikkei Asia)