Phim hoạt hình Dưới bóng cây (2011) của Colory Animation - Ảnh: ĐPCC
Chiều 14-11, cuộc trò chuyện "Tương lai của phim hoạt hình Việt Nam" của Xinê House đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Hoạt hình Việt Nam đang phát triển cả về nhân lực lẫn kỹ thuật, tại sao không làm nổi một phim chiếu rạp?
Vòng luẩn quẩn của hoạt hình Việt Nam
Anh Đoàn Trần Anh Tuấn - CEO Công ty Colory Animation, anh Hà Huy Hoàng - đồng sáng lập DeeDee Animation và đạo diễn Lê Huy Anh đồng ý rằng dù đang phát triển mạnh, hoạt hình Việt Nam có quá ít sản phẩm dành cho người Việt Nam.
Cụ thể, hoạt hình Việt Nam hiện có nguồn nhân lực mạnh với nhiều người trẻ đã tham gia những dự án hoạt hình quốc tế, có trình độ kỹ thuật đạt đẳng cấp quốc tế thông qua quá trình hợp tác với nước ngoài. Có những phim mà nếu chỉ xét về kỹ thuật, khán giả không phân biệt được là phim Việt Nam hay quốc tế vì trình độ ít chênh lệch.
Nhưng theo anh Hà Huy Hoàng (đạo diễn nghệ thuật phim Tàn thể: Tiền truyện), vì nước ngoài đầu tư nên các sản phẩm này chủ yếu dành cho người nước ngoài. Hầu hết phim hoạt hình của các studio Việt Nam hiện nay là phim quảng cáo. Họ làm để kiếm sống, để đào tạo nhân lực và nuôi hoài bão sáng tác.
Hình ảnh phim Tàn thể: Tiền truyện của anh Hà Huy Hoàng và DeeDee Animation - Ảnh: ĐPCC
Quan trọng hơn, có một sự thiếu hụt quá rõ ràng về phim hoạt hình chiếu rạp do người Việt làm cho người Việt, và xa hơn là mang hoạt hình Việt Nam ra thế giới. Ở phía nhà nước, từng có phim 3D Người con của Rồng của đạo diễn Phạm Minh Trí, dài 40 phút, chiếu rạp năm 2010.
Phía tư nhân chưa có phim hoạt hình dài. Còn nếu có, liệu phim hoạt hình Việt Nam có thể hút được những khán giả đang dành trọn tình cảm cho phim hoạt hình thế giới của Disney, Pixar, DreamWorks...?
Anh Hà Huy Hoàng nêu lý do niềm tin: "Không một nhà đầu tư nào đặt trọn niềm tin vào một tác phẩm do 100% người Việt Nam sản xuất. Niềm tin đó chỉ có được nếu có tên tuổi cây đa cây đề, đảm bảo chinh phục được khán giả nhiều lứa tuổi, cần các giải thưởng bảo chứng.
Ngoài ra, còn vì niềm tin của khán giả. Thế hệ chúng tôi lớn lên vào thập niên 1980, 1990 cũng chỉ thích hoạt hình nước ngoài chứ không tin hoạt hình Việt Nam đủ hấp dẫn. Đó là cản trở lớn nhất đối với phim hoạt hình Việt Nam".
Phim hoạt hình nhà nước Người con của Rồng ra rạp năm 2010 nhân Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội - Ảnh: ĐPCC
Trong khi đó, phim rạp người đóng ở Việt Nam đang phát triển, có những phim thu hàng chục, hàng trăm tỉ đồng. Nếu hoạt hình có những sản phẩm thu hút khán giả như phim người đóng trong 10 năm trở lại đây, khán giả sẽ dần có niềm tin.
Nhưng theo anh Hoàng, càng nói, càng thấy hoạt hình Việt Nam vấp phải vòng luẩn quẩn: Nếu không làm thì không có tác phẩm để chứng minh cho khán giả, còn nếu làm thì ai làm? Vì đầu tư dự án như vậy là rất mạo hiểm và chưa có tiền lệ.
Yếu về câu chuyện
Đạo diễn Lê Huy Anh (tác giả phim The Tale Of Cuội), chỉ ra điểm yếu của phim hoạt hình Việt Nam là câu chuyện.
Anh nói: "Câu chuyện của phim hoạt hình cũng cần nhân vật, ý tưởng, thông điệp. Với những studio lớn như Pixar, Blue Sky hay các thương hiệu phim hoạt hình quốc tế, tôn chỉ gốc vẫn là kể chuyện. Họ đi tiên phong, kể những câu chuyện kinh điển và quá hay. Họ có một tiêu chuẩn quá xa so với chính hiểu biết của tôi".
Một phim quảng cáo thường làm từ 2 tuần đến 1 tháng, còn phim hoạt hình của anh Huy Anh làm mất 8 tháng, tính cả ý tưởng thì mất hơn một năm. Không phải nhãn hàng nào cũng sẵn sàng bỏ tiền cho một dự án công phu như vậy.
Hình ảnh quảng bá phim hoạt hình The Tale of Cuội - Ảnh: ĐPCC
Anh Đoàn Trần Anh Tuấn (đạo diễn phim hoạt hình Dưới bóng cây đoạt giải tại YxineFF năm 2011) đồng tình câu chuyện là quan trọng nhất, là khác biệt giữa phim quảng cáo và phim dài.
"Mỗi phim đều có thông điệp và tâm huyết của đạo diễn, biên kịch. Tại sao bạn phải làm phim này, nó có ý nghĩa gì với bạn, có đủ thuyết phục người khác bỏ tiền, bỏ sức, bỏ tuổi trẻ ra để theo đuổi cùng bạn? Còn phim quảng cáo thì chỉ cần câu chuyện dễ xem, hình ảnh bắt mắt" - anh Tuấn nói.
Anh Lê Huy Anh nhấn mạnh câu chuyện của phim hoạt hình có thể mang tầm quốc tế. Không đơn giản là giáo dục người nước ngoài về văn hóa Việt, hoạt hình Việt Nam cần kể câu chuyện khiến nhiều khán giả từ nhiều quốc gia có thể đồng cảm.
Đồ họa phim hoạt hình Tàn thể - Ảnh: ĐPCC
Phim hoạt hình Việt Nam cho người lớn?
Tàn thể là series của DeeDee Animation hướng đến người lớn, phân khúc khán giả đang được hoạt hình Mỹ, Nhật và quốc tế khai thác nhiều. Phim hoạt hình cho người lớn làm về những chủ đề gai góc, trưởng thành hơn so với phim hoạt hình cho trẻ con.
"Phim hoạt hình không nhất thiết dành cho trẻ em. Phim Soul hay Lightyear sắp tới của Pixar đều tăng giới hạn tuổi, nói về những vấn đề trẻ em không hiểu hết được" - anh Đoàn Trần Anh Tuấn nói.
TTO - 'Raya và rồng thần cuối cùng' (Raya and The Last Dragon) là phim hoạt hình Hollywood có 4 người gốc Việt tham gia, trong đó Kelly Marie Tran lồng tiếng vai chính và Qui Nguyen biên kịch.