vĐồng tin tức tài chính 365

Nhiều mặt hàng sẽ tăng giá mạnh trong tháng 12?

2021-11-15 09:58
Nhiều mặt hàng sẽ tăng giá mạnh trong tháng 12? - Ảnh 1.

Với các mặt hàng thực phẩm, từ cuối tháng 10 đến nay, nhiều nhà phân phối, nhà bán lẻ đã phải áp dụng bảng giá mới - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong khi sau gần một tháng quay về "bình thường mới", sức mua thị trường đang có dấu hiệu chững lại.

Đủ cách tăng giá

Ông Nguyễn Văn Hà - giám đốc Công ty Thiên Hương, sản xuất thực phẩm mì các loại - cho biết tất cả các nguyên liệu đầu vào sản xuất cho ngành này đã tăng giá từ năm ngoái và hiện vẫn đang tăng "kinh khủng". 

Giá bột mì đã tăng hơn 20%, dầu dùng cho sản xuất còn tăng dữ dội hơn (40%) kéo theo giá bán các sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng phải điều chỉnh tăng giá từ 10 - 25%.

"Mặt bằng giá mới này xảy ra với tất cả các doanh nghiệp ngành thực phẩm và càng rõ hơn trong giai đoạn phục hồi sản xuất sau dịch. Chi phí sản xuất tăng, bên cạnh sự thiếu hụt nguồn lao động, đã làm cho việc phục hồi của các doanh nghiệp cũng trắc trở hơn, lượng hàng bán ra vẫn chậm" - ông Hà nói.

Với các mặt hàng thực phẩm chế biến, thực phẩm đông lạnh, từ cuối tháng 10 đến nay nhiều nhà phân phối, nhà bán lẻ đã phải áp dụng bảng giá mới với xu hướng tăng từ 10 - 25%. Chỉ một số ít vẫn còn bán giá cũ do còn hàng tồn trong kho, tuy nhiên nhà sản xuất cũng đã gửi thông báo giá mới đến nhà bán lẻ.

Với nhóm hàng hóa mỹ phẩm, đây là mặt hàng vẫn bán tốt trong dịch nên đã điều chỉnh từ giữa tháng 10 với mức tăng 6 - 12%. Cá biệt có nhiều hãng, để giảm cảm giác tăng giá quá nhiều, đã kết hợp vừa điều chỉnh giá vừa giảm size.

Chẳng hạn, dầu gội đầu Hãng D. có size cũ là 640ml đã được "hạ size" xuống 621ml, tương đương tăng giá 3%. Dầu gội Hãng C. từ 630ml điều chỉnh còn 618ml, giảm size 2%, đồng thời tăng giá thêm 2%. Tương tự các loại bột giặt, chất tẩy rửa cũng điều chỉnh tăng từ 3 - 9%.

Bà Lý Kim Chi - chủ tịch Hiệp hội Lương thực, thực phẩm - cho biết sau thời gian sản xuất trong điều kiện chống dịch đầy khó khăn, thời điểm hiện nay các doanh nghiệp sản xuất trong hiệp hội đang bắt đầu ổn định để chuẩn bị hàng hóa cho những tháng cuối năm.

"Trong suốt mùa dịch, các doanh nghiệp này đã nỗ lực không tăng giá đồng nào, kể cả những đơn vị không tham gia chương trình bình ổn giá. Nhưng bước vào tháng 12, nhiều mặt hàng sẽ phải điều chỉnh tăng giá vì áp lực đầu vào, nguyên liệu, chi phí sản xuấn rất lớn" - bà Chi cho biết.

Lý do tăng giá là để cung ứng kịp nhu cầu hàng hóa trong mùa dịch, các doanh nghiệp gần như sử dụng hết những nguyên liệu dự trữ, họ cố gắng giữ vì xem như là một phần trách nhiệm với cộng đồng. Vấn đề hiện nay là dù doanh nghiệp đã khởi động lại hoạt động sản xuất nhưng sức mua rất thấp, hàng bán ra rất ít dù so với tháng trước sức mua đã tăng hơn 20%.

Nỗ lực nhưng sẽ khó khuyến mãi hơn

Đại diện Central Retail Việt Nam cho biết áp lực tăng giá đang khiến các nhà bán lẻ phải nỗ lực hơn rất nhiều mới cho ra được chương trình khuyến mãi cuối năm. Chi phí vận hành, chi phí lao động cũng như chi phí đầu vào đều chịu áp lực tăng giá, vì vậy các nhà sản xuất cũng tránh khỏi xu hướng tăng giá chung.

"Chúng tôi vẫn phải đang gồng các chi phí, cân bằng các yếu tố để tránh ảnh hưởng người tiêu dùng, chấp nhận chia sẻ lợi nhuận để bảo vệ sức mua khi khách ngày càng "lười" đi siêu thị hơn" - vị này cho biết.

Theo các nhà bán lẻ, với vai trò trung gian đưa hàng hóa đến người dùng, không ít hệ thống bán lẻ đang phải đối diện với lựa chọn tạm ngưng nhập hàng có mức tăng giá quá cao hoặc chấp nhận giá mới và chuyển sang người tiêu dùng.

Nhiều nhà bán lẻ đã ngưng nhập một vài loại sản phẩm có mức tăng giá cao sau khi đánh giá mức độ hấp dẫn của sản phẩm với thị trường. Trong bối cảnh sức mua rất thấp, chưa hồi phục thì việc tăng giá sẽ mạo hiểm, buộc họ phải tính toán kỹ trước các đợt tăng giá.

Theo bà Huỳnh Thị Kim Thanh - giám đốc siêu thị AEON Tân Phú Celadon, trong tháng đầu tiên sau khi thành phố cho phép các siêu thị hoạt động trở lại, AEON Việt Nam ghi nhận số lượng khách hàng đến mua sắm tại các trung tâm vẫn chưa bằng với cùng kỳ năm ngoái. "Có rất nhiều lý do trong đó có ảnh hưởng của dịch bệnh, các siêu thị đang phải đối mặt với các áp lực về tăng các chi phí đầu vào" - bà Kim Thanh nhận định.

Do đó, trong những tháng cuối năm, hệ thống dự kiến hạn chế tổ chức các sự kiện, chương trình kích cầu tại điểm bán để hạn chế tập trung đông người. Thay vào đó sẽ tập trung vào các ưu đãi về giá cho các sản phẩm thiết yếu để hỗ trợ khách hàng cũng như tiếp tục đẩy mạnh các phương thức mua sắm trực tuyến để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Hàng quán bấm bụng tăng giá

Trừ giá thịt heo ổn định, các loại nguyên liệu như thịt bò, gà, các loại gia vị, rau đều tăng giá... khiến nhiều hàng quán tại TP.HCM buộc phải tăng giá bán.

Anh Trung - chủ quán hủ tiếu Nam Vang "Trung Còi" trên đường Cao Thắng, quận 3, TP.HCM - cho biết do giá nguyên liệu tăng quá nhanh nên mỗi tô hủ tiếu phải tăng lên 5.000 đồng/tô, từ 50.000 đồng lên 55.000 đồng.

"Trong các loại nguyên liệu thì chỉ có giá thịt heo có chiều hướng giảm. Còn các loại nguyên liệu khác từ rau củ, tôm... đến các loại gia vị đều tăng mạnh với lý do giá xăng tăng. Giá mua đường trước đây chỉ 27.000 đồng/kg, nay lên gần 40.000 đồng/kg, giá bột ngọt cũng tăng hơn 30%, nên chúng tôi cũng phải tăng giá bán" - anh Trung thông tin.

Mỗi tô phở tại quán Trang trên đường Võ Văn Tần (quận 3) cũng phải tăng 10.000 - 15.000 đồng/tô, lên mức 90.000 - 110.000 đồng. "Giá nguyên liệu tăng từ 30 - 40%, nếu không tăng giá bán thì không còn lời nên đành phải tăng giá" - anh Mạnh, chủ quán, trần tình.

Nhà hàng Hoàng Ty, nơi bán bánh canh Trảng Bàng, cho biết tăng 5.000 đồng/phần với bánh cuốn thịt bò (phần 2 người ăn), tăng 10.000 đồng đối với phần 4 người ăn. "Do giá thịt bò và nguyên liệu tăng nên chúng tôi có tăng giá" - người bán ở đây cho biết.

Tuy nhiên, theo ghi nhận, nhiều cửa hàng đã không tăng giá bán dù giá nhiều nguyên liệu tăng cao để giữ khách, nhất là khi khách đang ít như hiện nay.

PHƯƠNG NHI

Đến ly cà phê cũng bị ảnh hưởng

Sau khi TP.HCM cho khách được ngồi tại chỗ, 5 quán cà phê thuộc chuỗi Coffee Bike do CEO Hoàng Văn Tiễn vận hành cũng bắt đầu rục rịch mở cửa đón khách trở lại, nhưng khách thấy đông người là đi luôn. Bên cạnh đó, theo ông Tiễn, ngoài nỗi lo về phí thuê mặt bằng, chủ quán còn gánh thêm áp lực khi phí vận chuyển cà phê thô từ Đà Lạt xuống nhà máy rang xay tại TP.HCM và cả chi phí rang cà phê đều tăng từ 5 - 8% trong thời gian gần đây do giá xăng và giá gas tăng.

"Ở nhiều cửa hàng một ly cà phê có giá từ 40.000 - 60.000 đồng, nên nếu tăng thêm vài ngàn thì khách hàng vẫn cảm thấy không có chênh lệch lớn, chấp nhận được. Nhưng chúng tôi định vị phân khúc là cà phê bình dân, cuộc cạnh tranh càng gay gắt, một ly cà phê giá 15.000 đồng chỉ cần tăng lên 1.000 - 2.000 đồng đã ảnh hưởng rất lớn, mất khách như chơi. Để giữ khách, có doanh thu tồn tại qua thời kỳ khó khăn này, chúng tôi phải 'tự cắt máu', chấp nhận lời ít, tìm mọi cách giữ giá" - ông Tiễn cho hay.

BÔNG MAI

Chuỗi cung ứng hàng hóa TP.HCM chuẩn bị gì cho mùa Tết?Chuỗi cung ứng hàng hóa TP.HCM chuẩn bị gì cho mùa Tết?

TTO - Trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, nguồn cung lương thực, thực phẩm cho 9,4 triệu người dân TP đã có lúc rất căng thẳng, thói quen mua sắm của người tiêu dùng phải thay đổi đột ngột. TP.HCM rút được kinh nghiệm gì cho mùa Tết sắp tới?

Xem thêm: mth.25394028051111202-21-gnaht-gnort-hnam-aig-gnat-es-gnah-tam-ueihn/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nhiều mặt hàng sẽ tăng giá mạnh trong tháng 12?”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools