Cũng là đúng quy trình nhưng sao thời gian giải quyết lại chênh nhau như vậy?
Chỉ 3 ngày sau khi đại biểu Tô Thị Bích Châu "than" trên diễn đàn Quốc hội, cơ quan chức năng liên quan đã lấy mẫu, kiểm tra an toàn thực phẩm lô hàng hơn 22.000 lon sữa. Và chỉ sau 2 ngày nữa có kết quả báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế và phối hợp với Tổng cục Hải quan tiến hành thông quan.
Vậy mà hơn một tháng trước lô sữa này phải nằm im trong kho chờ hướng dẫn và ý kiến qua lại. Dư luận đặt câu hỏi nếu đại biểu không kêu lên vụ việc ở Quốc hội, báo chí không rầm rộ đưa tin thì vụ việc có được giải quyết nhanh như vậy? Biết khi nào những lon sữa được hỗ trợ này mới đến tay trẻ em? Và liệu cái gọi là quy trình có chạy quá chậm, quá thận trọng trong lúc "nước sôi lửa bỏng" không?
Chính đại biểu Châu cũng thừa nhận cách hướng dẫn của Cục An toàn thực phẩm trước đó đúng quy định nhưng không đúng với tinh thần "chống dịch như chống giặc". Bà kiến nghị cần có cơ chế hành chính thật sự thông thoáng, quy được trách nhiệm của bộ ngành, của từng cán bộ để không cần nhờ vả, quen biết mà việc vẫn chạy và có lợi tốt nhất cho người dân.
Ở chiều ngược lại, các cán bộ, công chức liên quan đến vụ việc đặt câu hỏi "nếu không làm đúng quy trình sau này có việc gì ai chịu trách nhiệm?". Sự chậm trễ nằm ngay trong tư duy về "sợ trách nhiệm". Bởi vậy biết bao người phải ngậm đắng nuốt cay không thể bắt bẻ được cơ quan nhà nước bởi họ đang làm "đúng quy trình". Gốc rễ do đâu? Liệu cách đánh giá cán bộ, công chức dựa trên việc làm đúng hay sai quy trình có ổn không?
Lâu nay tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức tập trung chủ yếu đánh giá việc không vi phạm, trong khi lẽ ra điều phải quan tâm là cán bộ đó có hoàn thành nhiệm vụ hay không. Muốn vậy mục tiêu, nhiệm vụ gắn với từng cá nhân phải định lượng được và có sự giám sát.
Đúng như đại biểu Châu nói phải thay đổi cơ chế quản lý hành chính để quy được trách nhiệm, xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tiêu chuẩn... để đánh giá kết quả công việc và nâng cao trách nhiệm của mỗi người.
Đâu phải ai cũng có cơ hội đứng trước Quốc hội để nói trực tiếp với người có chức trách như đại biểu Châu. Do đó, có cơ chế thu thập lời "kêu than" phản ánh của người dân là cách quan trọng để nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ Chính trị vừa có kết luận số 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Đây mới chỉ cụ thể hóa chủ trương của Đảng khi nhìn thấy tình trạng vô cảm, vô trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Việc còn lại là Quốc hội, Chính phủ phải luật hóa để thực hiện hiệu quả chủ trương này.
Những vụ việc đúng quy trình nhưng ì ạch, đùn đẩy qua lại chậm giải quyết như vụ 22.000 lon sữa không cá biệt, lĩnh vực nào cũng có. May mắn "nạn nhân" trong vụ việc là đại biểu Quốc hội có cơ hội kêu trúng và đúng người, đúng cơ quan nên vụ việc mới được giải quyết.
Còn bao nhiêu nạn nhân khác "thấp cổ bé họng" muốn kêu than đâu phải dễ và có kêu than cũng phải "đúng quy trình". Không ít người phải sợ cái gọi là "đúng quy trình"!
TTO - Để xảy ra việc lô hàng 22.000 lon sữa kiều bào gửi tặng trẻ em TP.HCM hơn một tháng chưa thể lấy ra là thiếu sót của các đơn vị trong quá trình tổ chức thực hiện.
Xem thêm: mth.98820158051111202-hnirt-yuq-iac-os/nv.ertiout