Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, hoạt động “tín dụng đen” những năm vừa qua đã xảy ra ở một số địa phương với thủ đoạn tinh vi, phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy. Tuy nhiên, trong hơn 02 năm kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019, các bộ, ngành, địa phương đã tăng cường triển khai các giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến “tín dụng đen” và đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân được nâng cao. Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” được triển khai tích cực, công tác quản lý nhà nước được tăng cường. Các kênh cung cấp tín dụng phục vụ đời sống, tín dụng tiêu dùng về cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu vốn của tất cả các phân khúc khách hàng. Nhiều TCTD đã đa dạng hóa cách thức tiếp cận khách hàng để mở rộng và nâng cao chất lượng tín dụng thông qua phối hợp chặt chẽ với chính quyền các cấp cơ sở, các tổ chức chính trị xã hội. Tín dụng cho nền kinh tế, đặc biệt là tín dụng dành cho những khu vực dễ bị tổn thương, có nguy cơ là nạn nhân của “tín dụng đen” vẫn được duy trì với tốc độ tăng trưởng khá. Ngành Ngân hàng đã quyết liệt vào cuộc, mở rộng mạng lưới, cung ứng kịp thời các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn, kịp thời hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; qua đó đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức, góp phần không nhỏ cùng các cấp, các ngành ngăn chặn, đẩy lùi nạn “tín dụng đen”.
Tổng Biên tập Báo Lao Động Nguyễn Ngọc Hiển cho rằng việc phòng chống tín dụng đen cần tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn với sự tham gia đồng bộ của các bộ, ngành, các cấp chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội. Hội thảo “Cảnh báo bẫy tín dụng đen, đẩy mạnh kênh tín dụng chính thức” do NHNN và Báo Lao Động tổ chức với mục tiêu tạo diễn đàn trao đổi thông tin giữa người dân, ngân hàng, các cán bộ quản lý, công an, luật sư, nhà báo về tín dụng đen, hệ lụy trong xã hội và làm thế nào người dân tiếp cận nguồn tín dụng chính thức. Qua hội thảo, đại diện lãnh đạo quản lý và các chuyên gia sẽ cùng bàn giải pháp góp phần phòng, chống "tín dụng đen", giúp người dân, người lao động tiếp cận được nguồn tín dụng chính thức
Tại Hội thảo, Trung tá Đỗ Minh Phương – Phó Trưởng Phòng Trọng Án – Cục Cảnh sát Hình sự - Bộ Công an cho biết, sau 02 năm thực hiện Chỉ thị 12/CT ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” đã có những chuyển biến tích cực. Các đối tượng cho vay và đòi nợ không còn hoạt động công khai, lộng hành như trước; nhận thức và ý thức cảnh giác của người dân từng bước được nâng cao… Tuy tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" đã được kiềm chế nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 làm thiệt hại mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Các đối tượng hoạt động "tín dụng đen" chuyển hướng lợi dụng công nghệ, mạng xã hội để mời chào, dụ dỗ người kinh doanh nhỏ lẻ, người lao động thu nhập thấp, công nhân…vay tiền.
Chia sẻ về những giải pháp của ngành Ngân hàng để đẩy lùi "tín dụng đen", bà Hà Thu Giang - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế- NHNN cho biết, triển khai Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã khẩn trương xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động của ngành với 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp khi vay vốn TCTD, qua đó góp phần hạn chế, đẩy lùi "tín dụng đen". Qua 02 năm triển khai, ngành Ngân hàng đã đạt một số kết quả nổi bật như: hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động cho vay, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ trực tuyến. Từ đầu năm 2019 đến nay, NHNN đã ban hành 85 văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, trong đó, đã sửa đổi, bổ sung, ban hành mới nhiều quy định để tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng chính thức, hỗ trợ hoạt động vay vốn của người dân, doanh nghiệp... Ban hành và trình cấp có thẩm quyền ban hành, triển khai nhiều chính sách quan trọng tạo điều kiện cho chuyển đổi số ngành ngân hàng, thúc đẩy áp dụng công nghệ trong cung ứng dịch vụ ngân hàng (eKYC, Mobile-Money, thanh toán không dùng tiền mặt, Regulatory Sandbox).
NHNN đã chỉ đạo TCTD mở rộng, đa dạng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, giảm lãi suất, đơn giản hóa thủ tụ ho vay nhằm tăng cường tiếp cận tín dụng qua các kênh chính thức, đặc biệt là với người dân ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Toàn cảnh Hội thảo
Cùng với đó, để phát triển mạng lưới ngân hàng từ năm 2019 đến nay, NHNN đã cấp phép thành lập mới 29 chi nhánh, Văn phòng đại diện, đơn vị sự nghiệp cho các TCTD. Đến nay, toàn hệ thống đã có 124 tổ chức tín dụng và gần 1.200 quỹ tín dụng nhân dân;...
NHNN đã cùng với hệ thống ngân hàng tăng cường hoạt động truyền thông về cơ chế, chính sách cho vay, dịch vụ ngân hàng đến đông đảo người dân, giải đáp nhiều kiến nghị, cảnh báo các hệ lụy để người dân phòng tránh; thực hiện các chương trình giáo dục tài chính “Tiền khéo, tiền khôn”, “Tay hòm chìa khóa”... giúp người dân có đầy đủ kiến thức cần thiết, dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính ngân hàng chính thức.
Trước tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến thu nhập của người dân đặc biệt là tập trung vào nhóm người có thu nhập thấp như công nhân, người lao động thời vụ, người kinh doanh nhỏ,... dẫn tới tình hình tội phạm "tín dụng đen" có chiều hướng diễn biến phức tạp, NHNN và toàn ngành ngân hàng đã tích cực triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, góp phần khôi phục sản xuất. NHNN đã liên tiếp 03 lần điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, tạo điều kiện để các TCTD giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Thường xuyên chỉ đạo các TCTD tiết giảm tối đa chi phí hoạt động, dành nguồn lực để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng. Đến nay, mặt bằng lãi suất vay giảm khoảng 1,66%/năm so với trước dịch. Đồng thời, xây dựng và triển khai nhiều chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ... NHNN đã ban hành các Thông tư 01/2020/TT-NHNN, Thông tư 03/2021/TT-NHNN và Thông tư 14/2021/TT-NHNN tạo khuôn khổ pháp lý để các TCTD cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Ông Lê Anh Tuấn – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) cho biết, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn vay một cách đơn giản, dễ dàng, CIC đã triển khai Cổng thông tin kết nối khách hàng vay tại địa chỉ https://cic.gov.vn. Cổng thông tin cho phép người dân, doanh nghiệp đăng ký nhu cầu vay và tra cứu thông tin tín dụng của bản thân. Qua hơn 02 năm triển khai, Cổng thông tin đã trở thành cầu nối đáng tin cậy của người dân với các TCTD, bước đầu đã mang lại những lợi ích đáng kể cho cả khách hàng và TCTD.
Các diễn giả tham dự Hội thảo đã cùng nhau thảo luận và đưa ra nhiều ý kiến đóng góp có ý nghĩa thiết thực, thông qua Hội thảo đã đưa ra các giải pháp nhằm tăng cường nâng cao sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan trong việc ngăn chặn, đẩy lùi "tín dụng đen"; phát triển hỗ trợ các sản phẩm ngân hàng số để giúp người dân tiếp cận kênh tín dụng chính thức; đẩy mạnh chương trình truyền thông để người dân hiểu đúng về nguồn vốn tín dụng, các thủ tục vay vốn thuận tiện, dễ dàng với những nhu cầu vay tiền chính đáng của người dân trong phục vụ sản xuất - kinh doanh… Ngành Ngân hàng đã và đang đẩy mạnh hơn nữa các chương trình truyền thông để người dân hiểu đúng về nguồn vốn tín dụng chính thức, các thủ tục vay thuận tiện, dễ dàng với những nhu cầu vay tiền chính đáng của người dân phục vụ sản xuất - kinh doanh.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú kết luận Hội thảo
Kết luận Hội thảo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chúng ta cũng nhìn nhận, nhận diện được nhiều khó khăn, thách thức trong công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn hoạt động “tín dụng đen”. Phó Thống đốc đề nghị bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp trọng theo Chỉ thị 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các TCTD mở rộng tín dụng và ưu tiên tập trung vốn vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; phát triển các sản phẩm tín dụng tiêu dùng thuận lợi, phù hợp với mọi tầng lớp nhân dân; phát triển mạng lưới chi nhánh và phòng giao dịch ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa nhằm tăng cường khả năng cung ứng tín dụng, dịch vụ ngân hàng chính thức;
Ngành Ngân hàng cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19, thiên tai dịch bệnh hoặc gặp khó khăn do các nguyên nhân chính đáng chưa thể trả được nợ đúng hạn; Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động tín dụng, ngân hàng, cải tiến quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay để tạo điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức với lãi suất phù hợp; Khuyến khích phát triển mô hình ngân hàng lưu động ở những vùng khó khăn, tạo điều kiện cho các khách hàng thuận tiện hơn trong việc tiếp cận vốn và các dịch vụ ngân hàng khác;...Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, trong hoạt động ngân hàng, chú trọng xây dựng mô hình hoạt động, sản phẩm dịch vụ ngân hàng thân thiện, dễ sử dụng, dễ tiếp cận với đa số người dân;..
Công tác truyền thông cần tiếp tục được tăng cường với sự phối hợp giữa các cơ quan báo chí, các bộ ngành để đa dạng hóa các phương thức tuyên truyền, phổ biến đến mọi tầng lớp nhân dân, giúp người dân, doanh nghiệp hiểu về các cơ chế, chính sách, các chương trình, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng chính thức; cảnh báo sớm về các phương thức thủ đoạn mới của hoạt động “tín dụng đen”,…
MA
Xem thêm: 766664VBS=emaNcoDd?001mc/sknil/iv/latrop/retnecbew/nv.vog.vbs.www