Sự tử tế có tác động lan tỏa trong trường học - Ảnh: GETTING SMART
Kết quả do nhóm các nhà nghiên cứu tại Đại học British Columbia cơ sở Okanagan (Canada) cho thấy một hành động tử tế nhỏ có thể giúp ích rất nhiều trong việc tăng cường sức khỏe và thể chất cho sinh viên. Nghiên cứu này vừa được xuất bản trên tạp chí Giáo dục đại học và cao học.
PGS.TS John-Tyler Binfet, khoa giáo dục và PGS.TS Sally Stewart, khoa khoa học sức khỏe và thể dục, đã công bố nghiên cứu sau khi khám phá ra việc thực hành lòng tốt trong khóa học đại học tác động đến nhận thức của sinh viên như thế nào.
Theo tiến sĩ Binfet, trong khi có một số nghiên cứu đánh giá tác động của lòng tốt đối với hạnh phúc, hiện vẫn còn ít nghiên cứu về cách sinh viên hiểu và thực hiện lòng tốt.
Tháng 9, hàng nghìn sinh viên đại học đã quay trở lại lớp học trên khắp Canada. Tiến sĩ Binfet lưu ý rằng khi sống trong thời đại dịch COVID-19, mọi hành động tử tế đều đi được một chặng đường dài.
"Chúng tôi biết tử tế mang lại một số lợi ích về sức khỏe, chẳng hạn như giảm căng thẳng, hạnh phúc và chấp nhận bạn bè. Trong khi đó, sức khỏe tâm thần ảnh hưởng đến việc học tập", theo ông Binfet.
"Môi trường sau trung học thường là "sàn tập" cuối cùng để chuẩn bị cho sinh viên vào đời. Vì vậy, chúng tôi muốn tìm ra cách có thể chuẩn bị cho sinh viên sức khỏe tinh thần tối ưu khi trưởng thành", ông chia sẻ thêm.
Tham gia nghiên cứu, các sinh viên tình nguyện đã tự báo cáo mức độ họ thấy bản thân tử tế trong các tương tác trực tuyến, gặp gỡ trực tiếp, cũng như cảm giác của họ đối với bạn bè và khuôn viên trường. Sau đó, các sinh viên được yêu cầu lập kế hoạch và hoàn thành năm hành động tử tế trong một tuần.
Những người tham gia đã hoàn thành 353 hành động tử tế với các chủ đề chính là giúp đỡ người khác, cho đi, thể hiện sự trân trọng và giao tiếp. Những sinh viên đã hoàn thành ít nhất ba trong số năm hành động tử tế có điểm số về lòng tốt và sự kết nối với bạn bè cao hơn đáng kể.
"Nghiên cứu này có thể giúp sinh viên nhận ra rằng có bằng chứng đằng sau cách thức và lý do tại sao con người tốt bụng, và lòng tốt có tác động đến sức khỏe và tinh thần", tiến sĩ Stewart nhận định.
"Nghiên cứu cũng có tác động đối với việc giảng dạy trong giáo dục đại học. Nó cung cấp cái nhìn sâu sắc về quá trình thực hành và hiểu biết về lòng tốt của sinh viên, từ đó xây dựng nền tảng để đưa chủ đề này vào thực tiễn giáo dục và các khóa học", bà nói thêm.
Nghiên cứu này gợi ý việc đưa các sáng kiến về sức khỏe vào môn học, giúp sinh viên tham gia dễ dàng hơn và nhận được lợi ích mà không cần phải nỗ lực quá nhiều. Nghiên cứu cũng chứng minh rằng sự can thiệp lòng tốt dựa trên chương trình giảng dạy sẽ được sinh viên đón nhận.
"Chúng tôi nhận thấy các sinh viên yêu thích bài tập yêu cầu họ hành động tử tế. Đối với vài người, bài tập giúp họ nhận ra lòng tốt là một kỹ năng có thể học để làm tốt hơn và có nhiều cách để trở nên tử tế. Với vài người khác, nghiên cứu giúp họ nhận ra những việc tử tế mình đã làm, từ đó củng cố mong muốn và ý định của họ thực hiện nhiều hành động tử tế hơn", bà giải thích.
Trong nhiều năm, nghiên cứu của tiến sĩ Binfet tập trung vào việc nâng cao thảo luận về lòng tốt. Trước đây, ông đã hoàn thành các nghiên cứu về cách trẻ em và thanh thiếu niên nhận thức và thực hiện lòng tốt.
"Với nghiên cứu này, chúng tôi nhận ra sự phù hợp trong cách những sinh viên đại học và những người ở lứa tuổi đi học định nghĩa về lòng tốt. Với họ, đó là những hành động có thể cải thiện cuộc sống của người khác, ví dụ như hành động lịch sự và giúp đỡ", ông Binfet cho biết.
TTO - Từ khi dịch COVID-19 bùng phát vào năm 2020 đến nay, những người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam đã nỗ lực để vượt qua thử thách trong cuộc sống, đồng thời thực hiện nhiều dự án hỗ trợ ngược lại cho cộng đồng người Việt Nam.
Xem thêm: mth.34504539051111202-coh-gnourt-gnort-aot-nal-gnod-cat-oc-et-ut-us/nv.ertiout