vĐồng tin tức tài chính 365

Tây Nguyên: Nhiều nơi vẫn cách ly tập trung F1, gây quá tải

2021-11-16 07:15

Các tỉnh ở Tây Nguyên đang tính đến phương án cách ly F1 tại nhà vì các khu cách ly (KCL) tập trung đang quá tải và nhiều tỉnh ở Tây Nguyên cũng lên các phương án để tránh lây nhiễm chéo trong các KCL tập trung.

Gia Lai: Dịch cấp độ 2 vẫn đưa F1 vào KCL tập trung

Trong ngày 15-11, cơ quan chức năng tỉnh Gia Lai đã lấy mẫu xét nghiệm cho 3.299 người, ghi nhận 40 trường hợp dương tính với COVID-19. Trên địa bàn tỉnh này, ghi nhận 2.439 trường hợp dương tính, có năm ca tử vong. Trong đó, 1.266 ca đi từ vùng dịch về (1.140 ca dương tính mới và 126 ca tái dương tính).

“Hiện ngành chức năng đang xây dựng phương án, nếu mức độ dịch cao, trên 5.000 ca bệnh thì mới tiến hành cách ly F1 tại nhà. Hiện nay, năng lực của tỉnh Gia Lai vẫn triển khai được việc cách ly tập trung F1. Quan trọng là không để xảy ra tình trạng lây nhiễm chéo trong KCL” - một lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Gia Lai thông tin.

Gia Lai có 1.842 người là F1 đang cách ly tập trung tại 23 cơ sở trên địa bàn tỉnh và 272 người đang thực hiện cách ly tập trung tại sáu khách sạn trên địa bàn TP Pleiku. Những người hoàn thành cách ly tập trung về địa phương đăng ký và tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà/nơi cư trú.

Những người là F1 cách ly tập trung không phân biệt đã tiêm hay chưa tiêm vaccine và theo công bố của cơ quan chức năng, Gia Lai đang là vùng dịch cấp độ 2.

Tây Nguyên: Nhiều nơi vẫn cách ly tập trung F1, gây quá tải - ảnh 1
Xét nghiệm COVID-19 cho người dân ở TP Buôn Ma Thuột. Ảnh: H.TRƯỜNG

Lâm Đồng: F1 vào KCL, F2 cách ly tại nhà

Tại Lâm Đồng, tình hình dịch bệnh COVID-19 cũng đang phức tạp và tỉnh này thực hiện việc cách ly nghiêm ngặt với F1, F2.

Theo đó, với F1 thì tổ chức cách ly ngay tất cả người tiếp xúc gần tại cơ sở cách ly tập trung ít nhất 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với ca bệnh xác định. Trường hợp là trẻ em nếu đảm bảo theo quy định thì thực hiện cách ly theo đúng hướng dẫn của Sở Y tế về việc cách ly phòng chống dịch đối với trẻ em.

Trong lúc cách ly, tổ chức lấy mẫu RT-PCR tối thiểu hai lần trong quá trình cách ly. Sau 14 ngày nếu âm tính thì kết thúc việc cách ly tập trung, chuyển sang tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú trong 14 ngày tiếp theo, không tụ tập đông người, thực hiện nghiêm 5K...

Đối với F2 thì tổ chức cách ly F2 tại nhà trong khi chờ kết quả xét nghiệm RT-PCR của F1: Nếu kết quả xét nghiệm RT-PCR lần 1 của F1 dương tính với SARS-CoV-2 thì chuyển cấp cách ly F2 lên thành F1. Nếu kết quả xét nghiệm RT-PCR lần 1 của F1 và của F2 (nếu có) đều âm tính với SARS-CoV-2, trên cơ sở đánh giá nguy cơ, dịch tễ để xác định F2 được kết thúc việc cách ly tại nhà và tiếp tục tự theo dõi sức khỏe tại nhà trong 14 ngày, nếu xuất hiện triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay cho cơ quan y tế và tổ COVID-19 cộng đồng.

Việc theo dõi sức khỏe tại nhà (đối với trường hợp F2 được kết thúc việc cách ly tại nhà và các trường hợp đi về từ các tỉnh mà thuộc diện tự theo dõi sức khỏe tại nhà) thì phải có cam kết thực hiện việc tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú... Hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, không đến nơi đông người, thực hiện 5K và các biện pháp phòng hộ cá nhân khác.

Khi ra ngoài phải báo cho chính quyền, y tế địa phương biết và chỉ được ra ngoài khi được sự đồng ý của chính quyền địa phương; khi ra ngoài phải ghi chép lại thời gian và lịch trình đi lại.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo CDC Lâm Đồng cho biết đối với người là F1, F2 thì cách ly theo quy định của Bộ Y tế. Người từ tỉnh khác về thì tùy vào mức độ vùng dịch, mức độ tiêm vaccine và một số biện pháp khác để cho cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung. Đối với F1 tiếp xúc với F0 tại địa phương thì đưa đi cách ly tập trung.

“Dự kiến trong tháng 12, nếu tình hình dịch căng thẳng thì có thể thực hiện cách ly F1 tại nhà” - lãnh đạo CDC Lâm Đồng nói.

Lâm Đồng có tỉ lệ tiêm vaccine mũi 1 gần đạt 100%, mũi 2 hơn 86% và địa phương này nguy cơ dịch cấp độ 2.

Đưa toàn bộ F1 vào KCL là không cần thiết

Theo Công văn 8399 của Bộ Y tế, căn cứ tình hình dịch và điều kiện thực tế tại địa phương, UBND cấp tỉnh chỉ đạo việc triển khai thực hiện đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, tạo điều kiện tối đa cho người dân, đồng thời không tạo áp lực, quá tải và có nguy cơ gây lây nhiễm chéo trong các cơ sở cách ly tập trung.

Công văn này cũng nêu cụ thể các trường hợp về từ vùng dịch, đã tiêm đủ liều vaccine thì được cách ly tại nhà.

Trước đó, trong Công văn 6386 ngày 14-7, Bộ Y tế cũng đã hướng dẫn tạm thời cách ly y tế tại nhà với F1, trong đó Bộ Y tế đề nghị UBND cấp tỉnh nghiên cứu triển khai thí điểm cách ly F1 tại nhà.

Đặc biệt, trong Nghị quyết 128 của Chính phủ nêu rõ: Trường hợp Bộ Y tế hướng dẫn cách ly tại nhà nhưng địa phương có địa điểm cách ly tập trung đảm bảo an toàn và được cá nhân người thuộc diện cách ly đồng ý thì có thể tổ chức cách ly tập trung thay vì cách ly tại nhà.

Thực tế ở Tây Nguyên có nhiều trường hợp người dân là F1 mong muốn được cách ly tại nhà nhưng không được đáp ứng dù đã được tiêm vaccine phòng COVID-19. Vì vậy, việc đưa tất cả F1 vào KCL tập trung và đến giờ mới tính việc thí điểm cách ly F1 tại nhà là quá chậm, gây căng thẳng cho người dân, chưa theo quan điểm sống chung với COVID-19 của Chính phủ.

TP Buôn Ma Thuột quá tải các KCL và đang thí điểm cách ly F1 tại nhà. Địa phương này đã tiêm vaccine mũi 1 cho gần 100% người dân trên địa bàn, đang chờ vaccine để tiêm phủ mũi 2.

“Hiện nay, TP đang tiến hành thí điểm cách ly F1 tại nhà, bởi KCL của TP đã gần như quá tải. Nếu nhà F1 có đủ điều kiện thì sẽ đảm bảo tốt hơn, đồng thời giảm tải ở khu vực cách ly tập trung, giảm tình trạng lây nhiễm chéo” - một lãnh đạo Trung tâm Y tế TP Buôn Ma Thuột cho biết.

Xem thêm: lmth.5218201-iat-auq-yag-1f-gnurt-pat-yl-hcac-nav-ion-ueihn-neyugn-yat/us-ioht/nv.olp

Comments:0 | Tags:No Tag

“Tây Nguyên: Nhiều nơi vẫn cách ly tập trung F1, gây quá tải”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools