Hơn 40 nghị sĩ từ 20 chính phủ đã phản đối đề cử ông Hu Binchen - quan chức tại Bộ Công an Trung Quốc - cho vị trí giám sát tại Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol), tờ South China Morning Post (SCMP) ngày 15-11 đưa tin.
Ông Hu hiện là một trong những ứng viên tại Ủy ban điều hành (gồm 13 thành viên) - cơ quan giám sát công việc của ban Tổng thư ký của Interpol.
Việc bầu cử - diễn ra ba lần một năm, theo đó sẽ đặt ra chính sách và phương hướng tổ chức - dự kiến diễn ra vào tuần tới trong cuộc họp Đại hội đồng của Interpol ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Nghị sĩ từ 20 nước phản đối đề cử ứng viên Trung Quốc vào Ủy ban Interpol. Ảnh: AFP
Theo SCMP, nhóm nghị sĩ, đồng thời thành viên của Liên minh Nghị viện về Trung Quốc, cho rằng việc đề cử ông Hu làm dấy lên lo ngại về những nỗ lực của Bắc Kinh trong việc thực thi luật pháp nước ngoài.
Các nghị sĩ cũng lo ngại Bắc Kinh có thể lạm dụng lệnh truy nã đỏ hoặc hệ thống thông báo quốc tế của Interpol.
“Liên quan việc bầu ông Hu Binchen vào Ủy ban điều hành, Đại hội đồng sẽ bật đèn xanh cho chính phủ [Trung Quốc] tiếp tục lạm dụng Interpol" – các nghị sĩ bày tỏ.
Theo SCMP, ông Hu công tác tại Bộ Công an Trung Quốc hơn 20 năm và hiện lãnh đạo bộ phận hợp tác quốc tế của bộ này.
Đề cử đối với ông Hu được đưa ra ba năm sau khi ông Mạnh Hồng Vĩ (Meng Hongwei) - cựu chủ tịch Interpol, đồng thời là cựu thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc - biến mất bí ẩn trong một chuyến thăm Trung Quốc.
Ông Mạnh sau đó đã thông báo từ chức ở Interpol. Năm 2019, ông Mạnh bị kết án 13 năm rưỡi tù vì tội tham nhũng.
SCMP dẫn lời ông Reinhard Bütikofer - thành viên của Nghị viện châu Âu, đồng thời là một trong những nghị sĩ phản đối đề cử của ông Hu – cho biết đã có báo cáo về việc ông Hu sẽ cố gắng thay đổi hoạt động của Interpol và trao quyền lực nhiều hơn cho Ủy ban điều hành nếu đắc cử.
Interpol đã bác bỏ cáo buộc rằng các thành viên trong Ủy ban điều hành có thể ảnh hưởng việc ban hành hoặc hủy bỏ lệnh truy nã đỏ, đồng thời cho biết họ có các vai trò bán thời gian không được trả lương trong thời gian giữ chức vụ ở quốc gia của mình.
“Là một tổ chức thực thi pháp luật toàn cầu, Interpol cung cấp một nền tảng trung lập để cảnh sát làm việc trực tiếp với các đối tác của họ, ngay cả giữa các quốc gia không có quan hệ ngoại giao” – phía Interpol khẳng định.
Trong khi đó, ông Bruno Min - giám đốc pháp lý tại tổ chức phi chính phủ Fair Trials – nhận định: “Nếu các quốc gia thực sự quan tâm đến Interpol, chắc chắn kinh nghiệm về những gì đã xảy ra với ông Mạnh Hồng Vĩ sẽ còn rất mới đối với họ".
"Điều đó sẽ khiến họ phải thận trọng hơn trong việc bổ nhiệm một quan chức từ Trung Quốc vào một vị trí có ảnh hưởng trong tổ chức” - ông Min cho hay.