Nhà đầu tư chứng khoán đã quen với giao dịch không tiền mặt - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Việc ôm một cục tiền lớn rồi chạy ra tận quầy giao dịch để nộp vào tài khoản chứng khoán đã thành quá khứ vì khiến nhà đầu tư bị lỡ cơ hội kiếm lời.
Hàng chục ngàn tỉ online
Chứng khoán tăng trưởng vượt bậc, gia nhập vào thị trường hồi tháng 2-2021, anh Nguyễn Thanh Tâm (32 tuổi, TP.HCM) cho hay chỉ đến công ty chứng khoán (CTCK) một lần duy nhất để mở tài khoản. Còn lúc nộp tiền vào để mua cổ phiếu và cả khi rút tiền ra cũng đều thao tác trên điện thoại.
Đầu tháng này, các nhà đầu tư không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến thanh khoản toàn thị trường dâng lên mức kỷ lục với gần 52.000 tỉ đồng (gần 2,3 tỉ USD, phiên 3-11). Thanh toán không tiền mặt cũng đóng góp một phần quan trọng cho sự tăng trưởng này.
Như nhà đầu tư Trần Duy Hải (nhân viên văn phòng) nhớ lại: "Tôi nhắm mua 5.000 cổ phiếu V. với giá 27.900 đồng/cổ phiếu, tổng tiền là 139,5 triệu đồng. Đang hớn hở, ai ngờ lúc đặt lệnh thì thấy chỉ còn 70 triệu đồng trong tài khoản. Lập tức mở ứng dụng ngân hàng, chuyển trực tuyến cái rẹt. Trong tích tắc là tài khoản có tiền, nếu phải chạy đi nộp tiền mặt thì tốn rất nhiều thời gian, giá mua sẽ cao hơn, thiệt hại rõ ràng".
Mở tài khoản chứng khoán được hơn ba năm rưỡi nay, "100% các giao dịch nộp/rút tiền đều online hết, tiền chỉ là con số chứ không cầm trên tay" - anh Hải cho hay.
Cạnh tranh bằng thanh toán không tiền mặt
Không chỉ cạnh tranh về việc giảm lãi suất cho vay ký quỹ (margin), hiện các CTCK cũng chạy đua cải tiến công nghệ, như cho mở tài khoản online hay rút ngắn các bước thanh toán không tiền mặt bằng cách giảm số lần click chọn của khách hàng. Ví dụ, ở CTCK A, khách hàng phải thực hiện 7 thao tác mới chuyển tiền thành công, thì CTCK B giảm xuống còn 5 bước, rút ngắn thời gian.
"Về bản chất thì quá trình chuyển tiền đều thực hiện các bước như nhau, nhưng CTCK đã tinh gọn, gộp nhiều bước thành một, chẳng hạn người dùng chỉ click 5 bước nhưng phía dưới thực tế là 7 bước. Để làm được điều này đòi hỏi phải có đội ngũ công nghệ thông tin tính toán, hệ thống xử lý phải làm việc nhiều hơn nên CTCK phải đầu tư nhiều hơn. Về dài hạn, cạnh tranh giảm lãi suất không bền vững bằng việc tạo trải nghiệm tốt cho khách hàng" - ông Nguyễn Thế Minh (giám đốc phân tích, Chứng khoán Yuanta Việt Nam) cho hay.
Hiện nay, một CTCK thường liên kết trực tiếp với 5-7 ngân hàng để giúp khách hàng được hưởng ưu đãi miễn phí và rút ngắn thời gian giao dịch.
Chẳng hạn, khách hàng của Chứng khoán SSI có thể nộp tiền vào tài khoản chứng khoán thông qua chức năng nộp tiền chứng khoán của 7 ngân hàng có kết nối tự động với công ty (BIDV, Vietcombank, VietinBank, Techcombank, ACB, Sacombank và MBBank) để giao dịch được thực hiện nhanh chóng, tức thì và hoàn toàn miễn phí.
Ông Huỳnh Minh Tuấn (giám đốc môi giới hội sở, Chứng khoán Mirae Asset) nhận định với xu hướng hiện nay, các CTCK cũng định hướng đến việc cho khách hàng liên kết tài khoản chứng khoán với ví điện tử. Xu hướng không tiền mặt ngày càng phát triển về chiều sâu trên thị trường tài chính, chứng khoán và không thể đảo ngược, góp phần đem lại tiện ích và minh bạch cho nền kinh tế.
Thanh toán bằng tiền mặt đã là quá khứ
Nhớ lại giai đoạn 2007 - 2008, ông Nguyễn Thế Minh chia sẻ hồi đó khách hàng phải cầm cục tiền tới trực tiếp CTCK để điền vào phiếu nộp tiền vào tài khoản. Cực nhất là lúc thị trường sôi động, nhiều người phải xếp hàng từ 6h sáng để khi CTCK mở cửa rồi chạy vào ngay, sau đó chen nhau nộp tiền, quá tải.
"Giờ giao dịch online chiếm đến 99,9%, từ tiền triệu đến tiền tỉ đều chuyển online hết, hiếm ai tới nộp trực tiếp như trước. Mà thực ra bây giờ các CTCK gần như không muốn giao dịch tiền mặt, lưu trữ rất rủi ro" - lãnh đạo một CTCK nói và cho biết các giao dịch điện tử cũng giúp tinh gọn bộ máy nhân sự.
TTO - 1,8 triệu tài khoản thanh toán mở trong 6 tháng qua. Nhiều tín hiệu lạc quan cho thấy dù quay lại bình thường mới nhưng thói quen không tiền mặt của người dân vẫn được duy trì.
Xem thêm: mth.71434102251111202-tam-neit-gnohk-naohk-gnuhc/nv.ertiout