Điểm bất cập thứ nhất và cũng có thể là lớn nhất hiện tại đối với hành khách khi di chuyển trên tàu Cát Linh - Hà Đông chính là vấn đề gửi xe ở các ga trung gian. Ghi nhận của PV trong ngày 15/11, toàn tuyến có 12 nhà ga nhưng chỉ có 1 bãi gửi xe duy nhất ở ga Cát Linh. "Tôi phải gửi xe ở khu chợ Thượng Đình rồi bắt tàu di chuyển tới ga Yên Nghĩa để làm việc. Hôm trước do không hỏi giá vé tôi gửi tạm vào 1 bãi gửi bên đường, lúc chiều về họ thu 50.000đ, tính ra tiền gửi xe hôm đấy còn đắt hơn cả tiền đi xe ôm chứ đừng nói đi tàu miễn phí...", ông Nam (sống tại Thanh Xuân) chia sẻ với PV khi bắt tàu đi làm ca sáng.
Vấn đề bất cập thứ hai chính là 10 trong số 12 nhà ga không thiết kế kín để lắp điều hoà hoặc có đặt quạt điều hoà. Đặt biệt khoảng trống không có kính ngăn tại các ga là rất lớn khiến trời mưa, lạnh gió và nước sẽ bị hắt vào bên trong khu vực nhà chờ. "Mấy nay buổi chiều có gió mùa về lùa vào bên trong rất lạnh, còn hôm nào mưa cũng bị hắt tận sâu chỗ khách ngồi, có thể mùa hè sẽ rất nóng vì không có điều hoà...", một nhân viên phục vụ tại ga trên tuyến chia sẻ.
Quan sát của PV, trong số 12 ga thì có 4 tới ga là ga Láng, Thượng Đình, Phùng Khoang, La Thành chỉ có 3 hướng kết nối lên, xuống còn lại 8 ga khác có 4 điểm.
Ga Cát Linh được đánh giá là một trong nhưng nhà ga hiện đại nhất của toàn tuyến. Tuy nhiên, tại ga này cũng như 11 ga khác thang cuốn nhỏ, hẹp khiến cho việc di chuyển của người dân vào giờ tan tầm gặp nhiều khó khăn,
Lối soát vé có phần nhỏ, hẹp không có hướng dẫn cụ thể việc quẹt vé khi vào và đút vé qua khe khi ra. Chính điều này đã khiến nhiều người khi muốn đi ra khỏi ga không biết phải đút thẻ qua khe. Sau khi đi bộ vòng quanh các điểm soát vé và cần đến sự trợ giúp của các nhân viên, ông Nam (64 tuổi, sống ở Hoà Mai) mới ra bên ngoài được. "Tôi cứ nghĩ quẹt thẻ trên mặt như lúc vào nên quẹt mãi để ra mà không được. Những người già như chúng tôi cần hướng dẫn cụ thể hơn vì không còn được nhanh nhẹn như thanh niên...", ông Nam nói.
Các thông tin chỉ đường, bản đồ "vệ tinh" dọc tuyến Cát Linh - Hà Đông sơ sài. Hiện chỉ có một "Bản đồ toàn tuyến" được đặt ở ga Cát Linh.
Các nhà ga trên toàn tuyến chưa lắp đặt hệ thống vách chắn an toàn (nhiều nơi trên thế giới đã làm điều này như Đài Loan, Pháp....). Việc không có vách chắn có thể gây nguy hiểm khi trẻ nhỏ chạy vui đùa hoặc lượng hành khách đông xảy ra sự cố xô đẩy nhau thời điểm tàu vào ga. Để đảm bảo an toàn, hiện mỗi ga đều có ít nhất 2 nhân viên đứng 2 bên cầm loa liên tục nhắc nhở mọi người không được bước qua vạch vàng
Tại các ga chưa có vạch hướng dẫn để ra, vào tàu. Hiện tại ở các điểm có chữ màu vàng "Chú ý khe hở" được tạm xác định là điểm lên, xuống tàu. Tại ga Hà Đông được căng dây bảo vệ bên cạnh các điểm ra, vào tàu.
Mỗi tàu có 4 toa và tại các khớp nối, toa tàu đều có biển cảnh báo. Tuy nhiên, số lượng những biển cảnh báo này còn thiếu. Trong đó, thiếu nút báo khẩn cấp, số tổng đài hỗ trợ khẩn cấp mà người dân có thể gọi di động....
Bà Hoa (quê Ninh Bình) và bạn đồng hành đành phải xách ba lô nặng gần 10 kg quay lại đi cầu thang bộ do thang cuốn ở hướng lên tàu của ga Vành đai 3 không hoạt động.
Sau khi được đưa vào hoạt động thương mại trong 6 tháng đầu tiên, các đoàn tàu chở khách của tuyến Cát Linh - Hà Đông sẽ chạy từ 5h - 23h, tần suất 10 phút/chuyến; mỗi đoàn tàu có sức chở 960 khách, lưu thông với vận tốc trung bình 35km/h, thời gian đi toàn tuyến hết hơn 23 phút.
Video toàn cảnh tuyến đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.
Hoàng Hải
Doanh nghiệp và Tiếp thị