Đầu giờ chiều ngày 16-11, giá vàng miếng SJC tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết ở mức 60,65 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và bán ra ở mức 61,35 triệu đồng/lượng, tăng 550.000 đồng/lượng so với giá chốt phiên chiều qua.
Tương tự, tại ngân hàng Eximbank, giá vàng miếng SJC được thay đổi biểu giá lên tới 16 lần với xu hướng tăng liên tục. Hiện, giá vàng miếng tại ngân hàng đang công bố mức giá mua và bán ở mức 60,65 – 61,15 triệu đồng/lượng, tương đương mức điều chỉnh tăng so với Công ty SJC. Chênh lệch giữa giá mua vào – bán ra dao động phổ biến ở mức 500.000 – 700.000 đồng/lượng.
Trong khi đó tại Công ty vàng bạc đá quý ngân hàng Sacombank (SBJ) đang được niêm yết ở mức 60,2 – 60,9 triệu đồng/lượng, tăng 400.000 đồng/lượng so với giá đóng cửa phiên giao dịch chiều qua.
Theo một số chuyên gia kinh tế, thị trường vàng trong nước đang có chiều hướng phản ứng mạnh hơn so giá vàng thế giới do lo ngại về yếu tố lạm phát tại Việt Nam sẽ có dấu hiệu tăng trong năm 2022.
Chỉ trong một tuần trở lại đây, giá vàng SJC đã tăng gần 2 triệu/đồng/lượng. Bên cạnh đó, yếu tố mùa vụ đầu tư vàng cuối năm tại Việt Nam đã bước vào giai đoạn tăng cường nhu cầu mua vào cũng khiến cho giá vàng khó có cơ hội hạ nhiệt.
Trên thị trường quốc tế, giá vàng giao ngay hiện ở mức 1.866 USD/ounce, quy đổi theo tỷ giá VND/USD tương đương với 51,2 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 4 USD/ounce so với phiên hôm qua.
Trong khi giá vàng thế giới tăng không đáng kể, giá vàng miếng SJC lại bật tăng quá mạnh khiến giá vàng SJC đang đắt hơn giá vàng thế giới khoảng 10,1 triệu đồng/lương, mức chênh lệch cao kỷ lục từ trước tới nay.
Sau nhiều phiên bán ròng hoặc nằm im nghe ngóng thị trường, quỹ đầu tư tín thác vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust thăm dò mua 0,58 tấn vàng, nâng khối lượng vàng dự trữ của quỹ này lên mức 975,99 tấn.