Hành vi sử dụng mạng xã hội để livestream không bị pháp luật cấm. Tuy nhiên nhiều cá nhân đã lợi dụng hình thức này nhằm vu khống, làm nhục người khác. Đây là hành vi bị cấm theo các quy định của pháp luật và cần bị xử lý nghiêm minh.
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đề nghị xử lý bà Phương Hằng
Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) vừa có công văn chính thức gửi Sở Thông tin và Truyền thông Bình Dương, đề nghị xử lý theo thẩm quyền đối với nội dung phát ngôn có dấu hiệu vi phạm pháp luật tại buổi livestream của bà Nguyễn Phương Hằng, CEO của Đại Nam diễn ra ngày 14.11.2021.
Theo công văn này, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử nêu rõ: “Qua công tác theo dõi, nắm bắt tình hình dư luận trên mạng và tiếp nhận thông tin phản ánh từ báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử được biết: Ngày 14.11.2021, bà Nguyễn Phương Hằng - Tổng giám đốc Khu du lịch Đại Nam - đã tổ chức buổi gặp gỡ và giao lưu khán giả tại khu du lịch Đại Nam, tỉnh Bình Dương. Buổi giao lưu này còn được phát trực tuyến (livestream) trên mạng thông qua nhiều kênh Facebook, Youtube... Đáng chú ý, trong các phát ngôn của các khách mời tham dự buổi giao lưu livestream có nội dung cho rằng “...báo chí của cộng sản chung với phản động để đánh một Nguyễn Phương Hằng...”.
Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử nhận thấy "nội dung phát ngôn như nêu trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật, tung tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín của nền báo chí cách mạng Việt Nam”.
Cơ quan quản lý thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương kiểm tra, xác minh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) liên quan đến vụ việc trên và báo cáo kết quả xử lý về Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử trước ngày 30.11.2021.
Trước đó, phóng viên Báo Lao Động đã trao đổi với cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương liên quan đến vụ việc livestream của bà Nguyễn Phương Hằng và ông Huỳnh Uy Dũng gây xôn xao dư luận xảy tại Khu du lịch Đại Nam (Phường Hiệp An, Thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Buổi livestream này có khoảng gần 1.000 người tham gia không đảm bảo khoảng cách an toàn phòng dịch ở địa phương đang có nguy cơ dịch cấp độ 3.
Về góc độ quản lý của địa phương, đại UBND phường Hiệp An, Thành phố Thủ Dầu Một cho biết, khi sự việc diễn ra đã cử lực lượng xuống nhắc nhở việc giữ khoảng cách, đeo khẩu trang đảm bảo việc phòng dịch. Tuy nhiên phường không lập biên bản sự việc có dấu hiệu vi phạm các quy định phòng chống dịch bệnh thời điểm livestream. Chủ yếu tuyên truyền đảm bảo phòng dịch sau khi nới lỏng giãn cách, hạn chế thấp nhất vấn đề lây lan dịch bệnh.
Về việc tụ tập đông người và có những phát ngôn công kích, xúc phạm người khác, UBND phường Hiệp An cho biết, vấn đề này lực lượng an ninh có theo dõi và đang xử lý.
Tương tự, khía cạnh quản lý của ngành Văn hóa, lãnh đạo Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Bình Dương cũng cho biết, lực lượng thanh tra của sở có xuống nắm vụ việc. Tuy nhiên chủ yếu là tuyên truyền, vận động và nhắc nhở để thực hiện đảm bảo việc phòng, chống dịch.
Trong khi đó, Sở Thông tin Truyền thông Bình Dương chưa thông tin về kết quả làm việc liên quan đến các phát ngôn công kích, nhục mạ báo chí tại buổi livestream. Được biết, hiện cơ quan chuyên môn của Sở đang xem xét các khía cạnh pháp lý quy định liên quan đến việc phát ngôn của một số người để trình lãnh đạo sở xem xét, xử lý.
Dọn sạch livestream “bẩn”
Hồi tháng 5.2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Chỉ thị 22/CT-BTTTT. Chỉ thị nêu rõ: “Thời gian qua, tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm trên mạng internet diễn ra phức tạp, gây bức xúc trong dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân. Tình trạng mua bán thông tin của cá nhân, tổ chức; phát tán, chia sẻ tin giả, thông tin sai sự thật gây hoang mang trong xã hội; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân, uy tín của tổ chức; đăng tải thông tin chống phá Đảng, Nhà nước, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc diễn ra phức tạp. Bên cạnh đó, các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản; đánh bạc và tổ chức đánh bạc; buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên mạng; tấn công mạng; phát tán mã độc... có chiều hướng gia tăng”.
Để tăng cường công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng internet, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ thị: Nhanh chóng phát hiện, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm trên mạng. Đặc biệt, áp dụng công nghệ mới để phát hiện, cảnh báo, ngăn chặn các hành vi tấn công mạng, đảm bảo hệ thống thông tin theo quy định của pháp luật. Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật hình sự và pháp luật chuyên ngành theo hướng tăng nặng mức phạt, hình phạt đối với các hành vi vi phạm, tội phạm trên mạng internet.
Bộ cũng chỉ thị các Sở Thông tin và Truyền thông: Tham mưu UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc nâng cao trách nhiệm, phối hợp đồng bộ trong việc phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên mạng Internet. Tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, phát thanh, truyền hình, hệ thống truyền thông cơ sở xây dựng các chương trình thông tin, tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống vi phạm, tội phạm trên mạng internet.
Đồng thời, tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý đúng quy định của pháp luật các hành vi vi phạm pháp luật trên mạng internet về thông tin và truyền thông; kịp thời ngăn chặn thông tin xấu độc, tấn công mạng và các hành vi vi phạm khác trên mạng internet.
Có thể nói, hiện tượng người livestream hay lên mạng xã hội tấn công người khác, làm nhục cá nhân, tổ chức, vu khống đưa hoang tin làm hại doanh nghiệp ngày càng nhiều, nhưng còn ít người bị xử lý theo pháp luật.
Với trường hợp bà Phương Hằng, yêu cầu xử lý của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử là động thái cho thấy: Cơ quan có thẩm quyền đã sẵn sàng thẳng tay với các trường hợp tự tung tự tác có hành vi vi phạm pháp luật trên mạng.
Kiểm soát livestream
Dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung nghị định 72 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng đưa ra lấy ý kiến cách đây không lâu đã đề xuất chỉ các mạng xã hội đã được Bộ TTTT cấp giấy phép cung cấp dịch vụ mạng xã hội mới có quyền cung cấp dịch vụ phát video trực tuyến (livestream) hoặc các dịch vụ có phát sinh doanh thu.
Theo dự thảo, dù livestream hay không, các tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung trên mạng xã hội trong nước hoặc mạng xã hội nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam có lượng người theo dõi/đăng ký từ 10.000 người trở lên phải thông báo thông tin liên hệ với bộ.
Những tài khoản, trang cộng đồng, kênh nội dung trên mạng xã hội có lượng người theo dõi/đăng ký dưới 10.000 người không phải thông báo thông tin liên hệ với bộ, nhưng nếu muốn livestream hoặc tham gia các dịch vụ có phát sinh doanh thu dưới mọi hình thức thì phải thông báo.
Quy định cho thời hạn để gỡ bỏ nội dung vi phạm đối với video livestream cũng thấp hơn các nội dung vi phạm khác. Trong khi với các thông tin vi phạm pháp luật nói chung, các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ mạng phải tiến hành gỡ bỏ trong vòng 24 giờ kể từ khi có thông báo của Bộ TTTT thì đối với livestream vi phạm pháp luật phải được thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ chậm nhất là 3 giờ kể từ thời điểm có yêu cầu của bộ.
Xem thêm: odl.065479-taul-pahp-mahp-iv-ueih-uad-oc-maertsevil-gnuhn-meihgn-yl-ux/taul-pahp/nv.gnodoal