Tăng vốn điều lệ gấp đôi
Tại buổi họp ĐHĐCĐ của Công ty Cổ phần Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương (mã APS) diễn ra vào chiều ngày 16/11, HĐQT APS đã thông qua việc tăng vốn điều lệ và tham gia thị trường chứng khoán phái sinh.
Theo đó, HĐQT APS đưa ra kế hoạch tăng vốn điều lệ từ mức 830 tỷ đồng lên 1.660 tỷ đồng, thông qua phát hành 83 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ thực hiện quyền 1:1. Theo đó, giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian thực hiện chào bán trong quý 4/2021, ngay sau khi được UBCK chấp thuận.
Nguồn vốn dự kiến huy động thêm 830 tỷ đồng sẽ được bổ sung 40% (tương ứng 332 tỷ đồng) cho vay ký quỹ, 30% (249 tỷ đồng) cho hoạt động tự danh, 20% (166 tỷ đồng) cho bảo lãnh phát hành, còn lại 83 tỷ đồng bổ sung cho vốn lưu động.
Mới đây, APS cũng vừa công bố kết quả kinh doanh trong 10 tháng đầu năm và việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2021.
Theo đó, doanh thu và lợi nhuận trước thuế trong 10 tháng đầu năm của APS đạt 475 tỷ đồng và 434 tỷ đồng, lần lượt tăng 237% và 502% so với kế hoạch cả năm 2021.
Trước kết quả kinh doanh khả quan trong 10 tháng đầu năm, HĐQT đã thống nhất đề xuất điều chỉnh kế hoạch kinh doanh với doanh thu đạt 550 tỷ đồng, tăng 290% so với kế hoạch 2021 và lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng, tăng 594% so với kế hoạch năm 2021.
Cổ phiếu tăng mạnh, lãnh đạo hô "gồng lãi"
Cổ phiếu APS đang "làm mưa làm gió" trên thị trường khi tăng phi mã trong thời gian gần đây. Từ một cổ phiếu "trà đá" với mức giá 4.200 đồng vào hồi đầu năm, mã này tăng vọt lên mức 49.800 đồng/cổ phiếu vào phiên 16/11, tương đương mức tăng 12 lần trong chưa đầy 1 năm.
Đáng chú ý, "cơn điên" của cổ phiếu APS diễn ra trong thời điểm cổ phiếu trong hệ sinh thái Apec cũng đang nổi sóng trên thị trường. Cùng với đà tăng của APS, cổ phiếu API của Công ty Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương tăng gấp 7 lần và cổ phiếu IDJ của Công ty CP Đầu tư IDJ Việt Nam cũng tăng gấp 5 lần so với hồi đầu năm.
Tuy giá đã tăng mạnh, nhưng trong cuộc họp ĐHĐCĐ, ban lãnh đạo cùng cổ đông Công ty vẫn hô to khẩu hiệu "APS gồng lãi" để thể hiện niềm tin và quyết tâm gắn bó với doanh nghiệp.
Khi được cổ đông hỏi cổ phiếu APS tăng mạnh có phải nhờ "thiên thời", ông Phạm Duy Hưng - Chủ tịch HĐQT APS cho biết: "Bên cạnh nhiều yếu tố thuận lợi, giá cổ phiếu APS tăng mạnh là thành quả cố gắng của cả Công ty trong suốt thời gian qua. Mục tiêu APS hướng đến không chỉ là một công ty chứng khoán truyền thống mà sẽ là nơi cung cấp nền tảng quản lý toàn bộ tài sản của nhà đầu tư dựa vào công nghệ.
Theo đó, Công ty đặt mục tiêu trở thành top 5 công ty chứng khoán có vốn hoá lớn nhất trên thị trường, top 3 công ty quản lý 5 triệu khách hàng trong khu vực vào năm 2025. Như vậy, thị giá cổ phiếu APS thời gian tới như thế nào thì cổ đông chắc cũng định giá được".
Cũng theo ông Nguyễn Quang Huy - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Apec, giá cổ phiếu APS tăng mạnh cũng đến từ những kỳ vọng về tăng trưởng của hoạt động kinh doanh. Theo đó, khoản đầu tư tự doanh chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu doanh thu của APS. Trong đó, API và IDJ đã chiếm đến 93% giá trị danh mục tự doanh của APS. Với những tiềm năng về quỹ đất của hai doanh nghiệp này, APS hoàn toàn có thể tăng trưởng mạnh hơn nữa trong tương lai.
Nói về định giá của APS trong thời gian tới, ông Nguyễn Đoàn Tùng - Giám đốc phân tích APS cho biết: "Hiện tại, chỉ số P/E của cổ phiếu APS là 6,9 lần, trong khi đó P/E trung bình ngành đang ở mức 18 lần. Như vậy, có thể thấy định giá cổ phiếu APS đang rẻ, có thể tăng trưởng 2-2,5 lần trong thời gian tới".
Minh Châu
Doanh nghiệp & Tiếp thị