Thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã kết thúc sau 3 tiếng đồng hồ ngày 16-11. Tuy không đạt được bước đột phá rõ ràng nào để thu hẹp sự khác biệt hai bên, song trong một số vấn đề, hai nhà lãnh đạo đã có những tiếng nói chung.
Đồng thuận nới lỏng hạn chế đối với các nhà báo hai bên
Tờ China Daily hôm 16-11 đưa tin Mỹ - Trung đã đạt được thoả thuận về thị thực của nhà báo trước hội nghị thượng đỉnh giữa ông Biden và ông Tập.
Theo China Daily, Mỹ sẽ cấp thị thực nhập cảnh một năm cho các nhà báo Trung Quốc và phía Bắc Kinh cũng đã cam kết đối xử bình đẳng với các nhà báo Mỹ khi các chính sách của Washington có hiệu lực.
Theo thoả thuận, cả hai nước sẽ cấp thị thực cho các nhà báo dựa trên các luật và quy định hiện hành, và các nhà báo hai bên có thể trở lại tác nghiệp nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định phòng chống COVID-19.
Hình ảnh hội nghị thượng đỉnh giữa ông Biden và ông Tập được chiếu tại một nhà hàng ở Bắc Kinh. Ảnh: REUTERS
Trước đó, Bắc Kinh cáo buộc Washington “đàn áp chính trị” các nhà báo Trung Quốc khi Mỹ cắt giảm số lượng nhà báo Trung Quốc làm việc tại Mỹ và giới hạn thời gian lưu trú của các nhà báo này thành 90 ngày nhưng được phép gia hạn.
Sau đó, Bắc Kinh cũng đã đáp trả bằng cách trục xuất các nhà báo Mỹ tại Trung Quốc và đưa ra các hạn chế thị thực mới đối với một số công ty truyền thông Mỹ.
Tìm cách hài hoà quan điểm về thoả thuận hạt nhân Iran
Theo kênh Channel News Asia, ông Biden và ông Tập đã nói về cách hai bên có thể hài hòa lập trường trước ngày nối lại đàm phán thoả thuận hạt nhân Iran 29-11 tới.
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết ông Tập và ông Biden đã thảo luận về cách làm thế nào để hai bên đồng thuận về quan điểm nhằm thúc đẩy sự thống nhất về cách đối phó với Tehran trong nhóm các cường quốc ký thoả thuận hạt nhân và mở đường cho Mỹ quay lại thoả thuận.
Vào năm 2015, Iran và sáu quốc gia là Mỹ, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức đã ký kết thoả thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Tổng thống Joe Biden vui vẻ khi gặp gỡ Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: SKY NEWS
Năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump khi đó đã tuyên bố Mỹ rút khỏi hiệp ước trên và khôi phục các lệnh trừng phạt nặng nề với Iran.
Trung Quốc luôn ủng hộ việc khôi phục thỏa thuận này và từng chỉ trích Washington vì đã rút khỏi thoả thuận. Ngoài ra, Bắc Kinh còn mua dầu của Iran bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Xem xét khả năng đàm phán kiểm soát vũ khí
Theo hãng tin Reuters, tại hội nghị thượng đỉnh, ông Biden và ông Tập đã cùng thảo luận và đồng ý xem xét khả năng đàm phán về kiểm soát vũ khí.
Ông Sullivan cho biết Mỹ luôn lo ngại của về hoạt động xây dựng hạt nhân và tên lửa của Trung Quốc và khẳng định các quan chức các cấp hai bên sẽ tăng cường hợp tác với nhau để đảm bảo cuộc cạnh tranh vũ trang sẽ không leo thang thành xung đột.
Tuy nhiên, ông Sullivan không nói rõ các cuộc đàm phán về ổn định chiến lược giữa hai bên sẽ diễn ra theo hình thức nào, nhưng khẳng định hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về những vấn đề này và hiện tại, hai bên phải suy nghĩ về cách hiệu quả nhất để thực hiện.
Bắc Kinh cho biết họ đã sẵn sàng tiến hành các cuộc đối thoại song phương về an ninh chiến lược "trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau."
Đây là cuộc trao đổi sâu nhất của hai nhà lãnh đạo Mỹ-Trung kể từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng 1.