Bộ Ngoại giao Mỹ hoan nghênh Trung Quốc nới lỏng thị thực cho các nhà báo Mỹ nhưng cho rằng môi trường hoạt động truyền thông tại Trung Quốc vẫn xấu đi đáng kể - Ảnh: AFP
Thông tin được tờ China Daily đưa ra chưa đầy 24 tiếng sau cuộc gặp thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 16-11.
Tuy nhiên theo tờ báo của Trung Quốc, Bắc Kinh và Washington đã đạt được đồng thuận nới lỏng thị thực cho các nhà báo cùng một số vấn đề khác từ trước cuộc gặp Tập - Biden.
Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ cấp thị thực 1 năm cho các nhà báo Trung Quốc và ngược lại, thay cho thị thực 90 ngày như hiện tại. Hai nước cũng cam kết đối xử bình đẳng với các nhà báo mỗi bên, cấp thị thực dựa trên các luật và quy định hiện hành, theo China Daily.
Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận các thông tin trên truyền thông Trung Quốc, đồng thời cho biết Trung Quốc cam kết cho các nhà báo Mỹ có thể tự do rời đi, điều mà họ không thể làm được trước đó.
"Chúng tôi hoan nghênh tiến bộ này, nhưng coi đó chỉ là những bước khởi đầu", Hãng tin Reuters dẫn nhận xét của một quan chức ngoại giao Mỹ.
Cũng theo vị này, Washington sẽ tiếp tục thúc đẩy "mở rộng khả năng tiếp cận và cải thiện điều kiện cho các phương tiện truyền thông của Mỹ và các nước khác" tại Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc không phản hồi lập tức yêu cầu bình luận của Reuters. Hiện vẫn chưa rõ các nhà báo bị Bắc Kinh trục xuất năm 2020 có được cấp thị thực trở lại làm việc hay không.
Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ tin tưởng thỏa thuận nới lỏng thị thực sẽ cho phép các nhà báo của nước này quay trở lại Trung Quốc và "tiếp tục công việc quan trọng".
Trung Quốc và Mỹ đã ăn miếng trả miếng trong lĩnh vực truyền thông vào năm ngoái.
Chính quyền Donald Trump khi đó áp đặt các biện pháp mới nhằm siết chặt hoạt động của truyền thông Trung Quốc tại Mỹ. Trong số này có việc chỉ cấp thị thực 90 ngày cho nhà báo Trung Quốc, bất kể họ có làm việc cho truyền thông nhà nước hay không.
Đáp trả lại, Trung Quốc trục xuất các nhà báo Mỹ làm việc tại nước này và áp dụng các quy định mới với truyền thông nước ngoài, làm tăng rủi ro pháp lý với một số hãng thông tấn Mỹ, theo báo South China Morning Post.
TTO - Thế giới vừa chứng kiến một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, vì đây là cuộc đối thoại cấp cao Mỹ - Trung sau mấy năm quan hệ giữa hai nước lớn rất căng thẳng.