Hôm qua (16/11), các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến thể Delta hiện chiếm 99% số ca mắc COVID-19 được giải trình tự gen trên toàn cầu, trở thành biến thể phổ biến nhất so với bất kỳ chủng nào khác, CNBC đưa tin.
Biến thể Delta lần đầu tiên được phát hiện ở Ấn Độ cách đây chưa đầy một năm.
Maria Van Kerkhove, trưởng nhóm kỹ thuật về COVID của WHO, cho biết trong 60 ngày qua, đã có 900.000 ca mắc COVID-19 được giải trình tự gen. Trong số đó, hầu hết đều bắt nguồn từ biến thể Delta.
Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 toàn cầu gia tăng, đặc biệt tại châu Âu. Theo bà Van Kerkhove, châu Âu chiếm khoảng 60% trong số hơn 3,3 triệu trường hợp mắc mới trên thế giới vào tuần trước.
Bà Van Kerkhove nói: "Delta thực sự là biến thể thống trị. Và có hai biến thể đáng quan tâm - Mu và Lambda - mà chúng tôi cũng đang theo dõi, nhưng một lần nữa, ở nơi có Delta, Delta sẽ tiếp quản".
Bà Van Kerkhove cho biết châu Âu chiếm hơn một nửa trong số gần 50.000 ca tử vong do COVID-19 toàn cầu trong tuần trước. Số ca tử vong tại châu Âu đã tăng 5%.
Chuyên gia WHO cho biết thêm số ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới đã gia tăng trong bốn tuần liên tiếp vừa rồi. Bà nói: "Đại dịch đang đi sai hướng vào lúc này".
Trong cuộc họp báo tuần trước, bà Van Kerkhove cho biết việc giảm sử dụng khẩu trang và giảm giãn cách xã hội là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng số ca mắc mới ở châu Âu. Hôm 16/11, nữ chuyên gia cảnh báo việc các quốc gia mở cửa trở lại trên khắp Bắc bán cầu vào mùa đông này có thể dẫn đến sự gia tăng các bệnh về đường hô hấp trong những tháng tới, bao gồm cả bệnh cúm và các mầm bệnh khác.
Một số quốc gia châu Âu đang chịu gánh nặng của sự gia tăng này. Đức đã lập kỷ lục số ca mắc COVID-19 trung bình trong bảy ngày với gần 39.300 trường hợp mắc mới, tăng gần 40% so với tuần trước, theo phân tích dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins (Mỹ).
Vương quốc Anh có số ca mắc trung bình bảy ngày là hơn 38.500, tăng 13% so với tuần trước. Mức trung bình trong bảy ngày ở Pháp và Ý đều tăng gần 40%.
Theo báo cáo của Đại học Johns Hopkins, Nga cũng đã chứng kiến số ca tử vong trung bình bảy ngày cao - khoảng 1.199 người tử vong. Nhưng số ca mắc trung bình trong bảy ngày (hơn 38.000 ca) đã giảm hơn 2% so với tuần trước đó.
(Nguồn: CNBC)
Theo Trà My
Doanh nghiệp và Tiếp thị