Thái Bình - Mở đầu phiên tòa, khi Hội đồng xét xử - Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình mới đang tiến hành tra hỏi lý lịch các bị cáo, Tiến "trắng" đã tỏ ra quá khích, nóng nảy và liên tục xin tòa... "xử 20 năm".
Tiến "trắng" nổi nóng
Nguyên nhân khiến Tiến "trắng" có thái độ như vậy là vì theo bị cáo này, bản thân mình đã bị bố nuôi, mẹ nuôi là các bị cáo Nguyễn Xuân Đường - Nguyễn Thị Dương đối xử tệ bạc, "dích" luật sư để hại mình.
"Tôi chẳng nợ nần gì ông bà ấy cả, chỉ có ông bà ấy nợ tôi", "từ sau ngày 20 tháng 8 thì tôi đã biết mình bị lừa, chẳng qua là tôi giả vờ không biết để tương kế tựu kế thôi", "ông bà ấy đã bất nhân thì không thể trách tôi bất nghĩa", "chỉ được cái mác con nuôi oai thôi", "tôi xin tòa xử 20 năm và không tranh luận gì thêm"..., Tiến "trắng" liên tục nổi nóng, nói rất to, tay cầm một tờ giấy để đọc bất chấp bị Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa cắt lời, yêu cầu giữ bình tĩnh, nói ngắn gọn.
Bị cáo Tiến cũng đồng thời từ chối luật sư bào chữa cho mình tại phiên tòa, "xin tòa đừng hoãn".
Trước đó, tại phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử vụ án "Cố ý gây thương tích" đối với Tiến "trắng" và 5 đồng phạm khác diễn ra ngày 25.10 vừa qua do Tòa án nhân dân tỉnh Thái Bình tổ chức, Tiến "trắng" cũng khẳng định đã bị "ông Đường... bán đứng".
Khi đó, Tiến nói trước tòa: "Ông Đường bán đứng tôi như kiểu Hải Bánh bán đứng Năm Cam để được giảm án. Bố mẹ tôi bị lừa viết thư để ép cung…".
Khi bị chủ tọa ngắt lời, Tiến quay lại nói với luật sư của mình (cũng là luật sư của bố nuôi Đường "Nhuệ"): "Tương kế tựu kế thôi…". Theo Tiến "trắng", mục đích "ông Đường bán đứng" mình là để được... giảm án.
Đường "Nhuệ" đề nghị thay đổi kiểm sát viên và triệu tập đủ bị hại
Trong khi đó, bị cáo Đường "Nhuệ" đề nghị tất cả 25 "được cho là bị hại" phải có mặt, nếu tòa triệu tập nhưng các bị hại không có mặt thì phải áp dụng biện pháp mạnh hơn.
"Bây giờ Cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát truy tố bị cáo phạm tội cưỡng đoạt nhưng bị cáo không cưỡng đoạt ai. Vậy nên tòa phải triệu tập đến đây những người được cho là bị hại, những người đấy phải có mặt để tranh luận, đối chất. Nếu không, bị cáo đề nghị hoãn phiên tòa", bị cáo Nguyễn Xuân Đường nói.
Bị cáo Đường "Nhuệ" đồng thời đề nghị thay kiểm sát viên tên Ph. vì "bị cáo không được nghe, không được giao cáo trạng".
Các luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị cáo Nguyễn Xuân Đường đều có quan điểm đề nghị hoãn phiên tòa.
Một trong những lý do các luật sư cho rằng phải hoãn phiên tòa là bởi có quá ít bị hại có mặt (4/25 bị hại có mặt) sẽ không đảm bảo khách quan, đúng đắn trong quá trình tranh tụng, tranh luận... và một số lý do khác.
Tuy nhiên sau đó, bị cáo Nguyễn Xuân Đường lại bất ngờ đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục xử.
"Bị cáo mong tòa vẫn cứ xử, việc triệu tập bị hại vẫn cứ tiến hành. Bị cáo chờ ngày này lâu lắm rồi. 2 năm qua bị cáo sống trong cay đắng. Mang tiếng cả gia đình bị cáo 'ăn trên xác chết'. Trong khi bị cáo khẳng định không cưỡng đoạt tiền của ai..." - bị cáo Đường bức xúc.
Trước ý kiến của bị cáo Nguyễn Xuân Đường liên quan đến việc giao, nhận bản cáo trạng truy tố, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình tham gia giữ quyền công tố tại phiên tòa - cho biết: "Theo quy định, kiểm sát viên không có trách nhiệm phải đọc cáo trạng cho bị cáo nghe, còn bản cáo trạng đã được kiểm sát viên tiến hành giao cho bị cáo Nguyễn Xuân Đường, có biên bản bàn giao và bị cáo đã ký vào biên bản bàn giao".
Bị cáo Đường "Nhuệ" và đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Bình vẫn đang tranh luận gay gắt về việc hai bên đã tiến hành giao, nhận cáo trạng hay chưa.
Bị cáo Đường khẳng định kiểm sát viên không giao cáo trạng cho mình, trong khi kiểm sát viên lại khẳng định đã giao đúng quy định.
"Bị cáo đề nghị được gửi đơn, tài liệu chứng cứ về những vi phạm tố tụng mà bị cáo phải chịu đến Cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao", - Đường "Nhuệ" nổi nóng.
Xem thêm: odl.907479-ut-man-02-nahn-nix-ad-gnart-neit-ux-auhc-aot/taul-pahp/nv.gnodoal