Trong khuôn khổ phiên 2 của Diễn đàn Tài chính năm 2021 với chủ đề “Chiến lược Tài chính giai đoạn 2021-2030: Các giải pháp thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế”, các chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến về các giải pháp, chính sách tài khóa đã thực hiện đồng thời đưa ra các khuyến nghị cho chính sách tài khóa thời gian tới và ghi nhận những ý kiến đánh giá của doanh nghiệp.
Chính sách hỗ trợ nhanh, kịp thời
Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, cả nước có tới 70,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước.
Các chuyên gia đều đồng tình, khi hoạt động của nhiều doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn sẽ tác động ngay đến “sức khỏe” nền kinh tế. Cùng với đó các chuyên gia nhận định khủng hoảng y tế sẽ dẫn tới khủng hoảng kinh tế, cụ thể là ở Việt Nam chỉ tính riêng trong quý III/2021, sự bùng nổ của đại dịch Covid-19 đã gây ra rất nhiều tác động nặng nề.
Trước bối cảnh đó, ông Nguyễn Minh Tân, Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước cho biết, thời gian qua, đã có nhiều chính sách tài khóa kịp thời được ban hành, qua đó hỗ trợ phòng chống dịch bệnh, hỗ trợ nền kinh tế, bao gồm các giải pháp, chính sách thu chi ngân sách nhà Nước và giải pháp, chính sách từ cân đối ngân sách Nhà nước.
Đánh giá về những mặt tích cực của chính sách tài khóa thời gian qua, ông Nguyễn Minh Tân cho rằng, nhiều chính sách, giải pháp ban hành rất nhanh, kịp thời góp phần hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân.
Nhiều chính sách hỗ trợ được cộng đồng doanh nghiệp, người dân ghi nhận và đánh giá cao.
Sức khỏe của doanh nghiệp rất đáng lo ngại
Tuy nhiên, chia sẻ tại Diễn đàn về những vấn đề tồn đọng, hạn chế, ông Tân cho biết, các chính sách hiện nay chủ yếu nhằm giải quyết khó khăn ngắn hạn của doanh nghiệp, người dân; chưa có nhiều chính sách về phí cầu, hỗ trợ phát triển thị trường trong nước, chuỗi cung ứng.
Việc triển khai thực hiện một số chính sách còn chậm, tỉ lệ giải ngân thấp, chưa kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Một số chính sách có thời gian thực hiện ngắn, chưa tạo tính chủ động cho doanh nghiệp, người dân trong tiếp cận chính sách.
Đồng quan điểm với Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước, TS. Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ qua nghiên cứu của VCCI cho thấy: “Sức khoẻ của doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang rất đáng lo ngại”.
Doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh đang “ốm yếu”, bức tranh tài chính hiện nay đang khó khăn. Cứ 10 doanh nghiệp thì có 9,4 doanh nghiệp chịu tác động rất tiêu cực do dịch bệnh gây ra ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh.
Đánh giá về các nhóm giải pháp hỗ trợ về tài chính, ông cho biết qua điều tra 12.000 doanh nghiệp vào năm 2020, các nhóm giải pháp về gia hạn các khoản thuế phải nộp là giải pháp được doanh nghiệp tiếp cận nhiều nhất nhưng các doanh nghiệp tư nhân có quy mô vừa và khá thì dễ tiếp cận hơn. Trong khi đó, Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, đối tượng này đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận sự hỗ trợ từ Nhà nước.
Cùng với đó, một số doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp phản ánh rằng hiệu ứng hỗ trợ chưa cao. Trong các nhóm chính sách thì nguồn lực giãn, hoãn chi phí lớn còn những giải pháp hỗ trợ mà doanh nghiệp được thụ hưởng trực tiếp thì chỉ chiếm rất ít.
Bên cạnh đó, thực tế thực hiện hỗ trợ thấp hơn nhiều so với quy mô dự kiến và thời gian triển khai kéo dài, nhu cầu chi phòng chống dịch bệnh lớn, khả năng điều chỉnh, cắt giảm các nhiệm vụ chi còn nhiều hạn chế nên đã tạo áp lực gia tăng đối với cân đối ngân sách nhà nước, nhất là ngân sách Trung ương.
“Phải sống và tồn tại đã rồi hãy nói đến chuyện phát triển”
Đối mặt với những hạn chế còn tồn đọng, TS. Đậu Anh Tuấn cho rằng Việt Nam cần có giải pháp tài chính mạnh mẽ hơn, các gói hỗ trợ doanh nghiệp cần tính phương án lớn hơn khi hiện nay còn khá khiêm tốn.
Hơn nữa, nhóm giải pháp cải cách hành chính cần có tính thực tiễn hơn nữa, rút ngắn thời gian thủ tục, giảm chi phí đi lại, chi phí hồ sơ,.. để đem lại hiệu lực lớn hơn.
Đặc biệt ông nhấn mạnh, phải đẩy nhanh tiêm vắc-xin trong toàn dân, tiến hành tiêm vắc-xin trên diện rộng, quan tâm khai thác về vấn đề con người, nâng cao đời sống nhân dân, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Chia sẻ tại Diễn đàn, TS. Lê Xuân Bá, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế Trung ương cũng cho rằng chương trình phục hồi kinh tế của Việt Nam cần đặt rõ mục tiêu và cần có cải cách mạnh bạo hơn, nhanh hơn. Đặc biệt là về vấn đề phòng chống dịch bệnh cũng phải được đặt lên hàng đầu, chú trọng đến an sinh xã hội, nâng coa đời sống người dân, đảm bảo an toàn sức khỏe y tế của quốc gia.
Đồng thời, tiếp tục tiến hành đổi mới về thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế và cần có trọng tâm, trọng điểm để phát triển tránh để xảy ra tình trạng “dàn hàng ngang mà tiến”.
Có kế hoạch, giải pháp đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô (nhất là kiểm soát lạm phát, giá cả, nợ xấu...), đảm bảo ổn định tài khóa. Đồng thời đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư - kinh doanh.
Tại diễn đàn, TS. Lê Xuân Bá đánh giá trong tương lai, Việt Nam có rất nhiều cơ hội để phục hồi lại nền kinh tế. Nhưng đầu tiên vẫn cần “phải sống và tồn tại đã rồi hãy nói đến chuyện phát triển”, ông khẳng định.