Doanh nghiệp Việt đang thiếu yếu tố ‘then chốt’ nào để vươn xa?
Ngày 17/11/2021, tại hội thảo "Chuyển đổi lao động và phát triển nguồn nhân lực số trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", ông Đỗ Ngọc An - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương chia sẻ, nguồn nhân lực tại Việt Nam đang tăng cả về quy mô và chất lượng, lực lượng lao động cả nước tăng từ 50,4 triệu năm 2010 lên 56,2 triệu năm 2020. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 40% năm 2010 lên 65% năm 2020.
Nhân lực chất lượng cao cũng tăng đáng kể, trong đó, một số ngành đã đạt trình độ quốc tế như Y tế, Cơ khí, Công nghệ và Xây dựng. Tuy nhiên, phát triển nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ phát triển tại các doanh nghiệp nói riêng, và mục tiêu của quốc gia nói chung.
Cụ thể, ở bình diện quốc gia, Việt Nam mới chỉ đưa ra chiến lược quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam nói chung, chưa có chiến lược quy hoạch phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn lớn, chất lượng đào tạo lao động còn thấp, cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý, thiếu lao động có trình độ kỹ thuật cao, nhưng lại thừa lao động thủ công.
Đặc biệt, Việt Nam đang thiếu đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, giáo dục,… việc thiếu hụt nhân lực có chất lượng cao, đang là trở ngại, rào cản lớn trong công cuộc đưa đất nước vươn tầm, hội nhập kinh tế với thế giới.
Theo PGS.TS Hoàng Minh Sơn - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, hơn bao giờ hết, Việt Nam cần có sự thay đổi, chuyển đổi mạnh mẽ, nhanh chóng về cơ cấu về số lượng, chất lượng, ngoại hình lao động,... Song, nguồn nhân lực chất lượng cao cần được ưu tiên đầu tư, từ đó mới có thể từng bước đưa đất nước ngày càng phát triển về mọi mặt.
Vingroup thành công nhờ chiến lược nhân sự đặc biệt?
Theo thống kê năm 2020, Vingroup có 65.325 cán bộ, nhân viên, trong đó, có tới 1.232 người có trình độ tiến sĩ, thạc sĩ; 19.566 người có trình độ đại học, và nhiều chuyên gia hàng đầu thế giới,...
Ngoài ra, Vingroup cũng thực hiện chiến lược xây dựng và phát triển đội ngũ chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực then chốt, tạo dựng môi trường làm việc hấp dẫn, chuyên nghiệp và thân thiện nhờ các phương châm, tiêu chí, chính sách và chế độ tốt nhất.
Đặc biệt, Vingroup còn có chính sách thu hút rất nhiều chuyên gia giỏi đang công tác tại nước ngoài về làm việc, và cống hiến cho sự phát triển của đất nước.
Tiêu biểu như TS. Bùi Hải Hưng, người lấy bằng tiến sĩ năm 25 tuổi, chuyên gia hàng đầu về trí tuệ nhân tạo từng làm việc cho Google, Adobe. Tháng 1/2018, ông bắt đầu làm việc tại một trong những đơn vị dẫn đầu thế giới về công nghệ AI là Google DeepMind.
Tuy nhiên, đến năm 2019, TS. Bùi Hải Hưng đã rời vị trí nghiên cứu cấp cao tại Google DeepMind, để gia nhập Tập đoàn Vingroup, và giữ chức Viện trưởng Viện nghiên cứu AI của Vingroup.
Mục tiêu của Viện Nghiên cứu AI của Vingroup là xây dựng một lực lượng nòng cốt các chuyên gia hàng đầu về AI cho Tập đoàn Vingroup nói riêng và Việt Nam nói chung. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là ươm mầm cho những tài năng về AI cho Việt Nam trong tương lai, đồng thời, tư vấn và chuyển giao kiến thức công nghệ cho Tập đoàn hoặc các đối tác.
Không chỉ mời người Việt về nước cống hiến cho sự phát triển của đất nước, ngày 27/07/2021, Tập đoàn Vingroup công bố bổ nhiệm ông Michael Lohscheller - người từng giữ vị trí Phó Chủ tịch Volkswagen Mỹ và Tổng giám đốc Opel toàn cầu - làm Tổng Giám đốc VinFast toàn cầu. Ông Michael Lohscheller sẽ làm việc tại Việt Nam, trực tiếp quản lý và điều hành các thị trường của VinFast hiện nay, bao gồm Việt Nam, Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Hà Lan.
Hồng Nhuận
Doanh nghiệp và Tiếp thị