TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV cho rằng, làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 cơ bản đã được kiểm soát, Việt Nam đang tiến tới trạng thái “thích ứng an toàn với Covid-19” từ đầu quý 4/2021 tại hầu hết các tỉnh, thành; tiêm chủng được đẩy mạnh và kỳ vọng đạt tỷ lệ 70% dân số được tiêm đủ 2 mũi vào cuối quý 1/2022, nhờ đó tăng trưởng GDP cả năm 2021 dự báo đạt 2% (khả năng cao); lạm phát được kiểm soát ở mức thấp 2,2 - 2,4%.
Năm 2022, kinh tế Việt Nam có thể phục hồi ấn tượng, đạt mức tăng trưởng khoảng 6,5 - 7% và lạm phát tăng so với năm 2020 nhưng được kiểm soát ở mức 3,4 - 3,7%, nhằm hỗ trợ đà phục hồi kinh tế.
Mức tăng trưởng này chỉ có thể xảy ra khi Việt Nam thiết kế và thực hiện tốt Chiến lược phòng, chống dịch phù hợp, linh hoạt, thích ứng và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội năm 2022 - 2023.
Trong bối cảnh này, dư địa mở rộng chính sách tài khóa còn khá lớn và có phần thuận lợi hơn chính sách tiền tệ nhờ thâm hụt ngân sách Nhà nước và nợ công vẫn trong tầm kiểm soát và thấp hơn các nước trong khu vực; quy mô hỗ trợ tài khóa thời gian qua còn khá khiêm tốn; các cân đối lớn (thâm hụt ngân sách/GDP, nợ công/GDP, nghĩa vụ trả nợ/thu ngân sách Nhà nước, lạm phát…) vẫn trong ngưỡng an toàn…
Cũng theo chuyên gia này, dư địa chính sách tiền tệ không còn nhiều trong điều kiện ưu tiên đảm bảo ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo an toàn, bền vững hệ thống tổ chức tín dụng. Cụ thể, hiện lãi suất đã ở mức thấp trong vòng 20 năm; áp lực lạm phát vẫn luôn tiềm ẩn trong điều kiện áp lực lạm phát toàn cầu gia tăng, nợ xấu gia tăng (nhất là khi các quy định về cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 14 hết hiệu lực).
Tuy nhiên, ngành ngân hàng có thể mở rộng có chọn lọc tín dụng, tăng khoảng 12 - 13% năm 2021 và 13 - 14% năm 2022 - 2023 (bao gồm cả tín dụng từ gói hỗ trợ lãi suất); tiếp tục tiết giảm chi phí, chấp nhận giảm chênh lệch lãi suất để tiếp tục giảm thêm lãi suất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp như đã cam kết, đồng thuận.
TS. Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu đưa ra 8 kiến nghị liên quan đến các giải pháp phục hồi nền kinh tế. Trong đó, liên quan đến chính sách tiền tệ, chuyên gia này kiến nghị, cần xác định rõ mục tiêu và tăng cường hiệu quả phối hợp chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.
Cụ thể, chính sách tiền tệ theo hướng linh hoạt nhưng không hoàn toàn nới lỏng, ưu tiên hỗ trợ phục hồi song vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát, chính sách tài khóa theo hướng mở rộng thận trọng, vừa hỗ trợ tăng trưởng vừa vẫn đảm bảo kiểm soát lạm phát. Chính sách tài khóa và tiền tệ phải phối hợp trong việc thiết kế và thực thi gói hỗ trợ lãi suất; trong kiểm soát rủi ro hệ thống tài chính (rủi ro lan truyền giữa ngân hàng - chứng khoán - bảo hiểm).
Liên quan tới gói hỗ trợ lãi (thấp hơn khoảng 2 - 3% so với lãi suất thị trường), TS. Cấn Văn Lực cho rằng, điều kiện tiếp cận là các đối tượng đủ điều kiện tín dụng hoặc các đối tượng không đủ điều kiện tín dụng nhưng có khả năng phục hồi (cần lưu ý đây không phải là hạ mức chuẩn tín dụng) hoặc lĩnh vực ưu tiên phát triển thời gian tới (kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, y tế, giáo dục, hạ tầng số…)./.
Xem thêm: lmth.88180000042210202-41-31-nel-gnor-om-eht-oc-3202-2202-man-gnud-nit-cul-nav-nac-st/nv.semitaer