Đồ họa mô phỏng ý tưởng sử dụng “chổi laser” nhằm quét sạch các mảnh rác vũ trụ ra khỏi quỹ đạo của ISS và các vệ tinh nhân tạo khác - Ảnh: NASA
Theo lý giải của Bộ Quốc phòng Nga, độ cao chênh lệch giữa ISS và vệ tinh Tselina-D bị phá hủy từ 40-60km, do đó không có chuyện các mảnh vỡ của vệ tinh có từ thời Liên Xô (cũ) đe dọa ISS và 7 phi hành gia trên đó, trong đó có 2 người Nga.
Nga khẳng định an toàn
Ngày 16-11, một ngày sau vụ hủy bỏ vệ tinh, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận thông tin và nhấn mạnh đây là việc đã lên kế hoạch từ trước và không nhắm vào quốc gia nào. Đây là lần đầu tiên Nga phá hủy thành công một vệ tinh "quá đát" bằng tên lửa và hiện chưa rõ loại tên lửa sử dụng.
Hành động của Nga lập tức vấp phải chỉ trích của Mỹ và các nước đồng minh với Mỹ. Đáp lại, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nhấn mạnh các mảnh vỡ "phát sinh sau sự việc không gây bất cứ đe dọa nào với các hoạt động trong không gian".
Trong một thông cáo khác cùng ngày 16-11, Bộ Quốc phòng Nga khẳng định hệ thống của họ đang theo dõi các mảnh vỡ với dự báo cho từng tình huống.
Dựa theo các dữ liệu thực tế, Nga đã dựng đồ họa mô phỏng chuyển động và khẳng định các mảnh vỡ vệ tinh cũ nằm cao hơn ISS từ 40-60km. "Kể từ lúc xuất hiện, các mảnh vỡ của vệ tinh cũ không hề gây đe dọa cho ISS. Những tuyên bố về rủi ro với ISS là không đúng sự thật" - Bộ Quốc phòng Nga khẳng định.
Cũng trong ngày 16-11, Cơ quan vũ trụ Roscosmos của Nga cho biết "hệ thống cảnh báo tự động về các tình huống nguy hiểm" của họ vẫn "theo dõi tình hình để ngăn chặn và chống lại mọi đe dọa có thể xảy ra với ISS và phi hành đoàn". "Đối với chúng tôi, ưu tiên chính luôn là đảm bảo sự an toàn vô điều kiện của phi hành đoàn" - Roscosmos cam đoan.
Nỗi lo rác vũ trụ
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, vụ bắn hủy vệ tinh cũ của Nga tạo ra khoảng 1.500 mảnh vỡ lớn và hàng trăm ngàn mảnh vỡ nhỏ. Thoạt nghe có vẻ nhiều song đó chỉ là phần nhỏ trong đống rác vũ trụ đủ kích cỡ đang lơ lửng trong không gian kể từ khi nhân loại có vệ tinh đầu tiên năm 1957.
Số liệu của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cho thấy tính đến ngày 9-11 năm nay đã xảy ra hơn 630 vụ va chạm hoặc tự phát nổ của các vật thể nhân tạo trên quỹ đạo Trái đất. Mạng lưới giám sát không gian chỉ có thể theo dõi khoảng 29.600 mảnh rác có kích thước đáng kể tiềm ẩn những rủi ro nhất định. Sử dụng mô hình thống kê, ESA ước tính trong vũ trụ có 36.500 mảnh rác lớn hơn 10cm, 1 triệu mảnh từ 1cm đến dưới 10cm và 330 triệu mảnh siêu nhỏ từ 1mm đến dưới 1cm.
Ông Didier Schmitt, một quan chức cấp cao của ESA, mô tả rác không gian là mối nguy với các vệ tinh đang hoạt động và các trạm không gian có người như ISS. Không giống trạm Thiên Cung đang xây dựng của Trung Quốc, ISS được làm từ những năm 1990. Lúc đó nguy cơ từ rác vũ trụ chưa lớn như hiện nay, nên các bộ phận của ISS không được thiết kế để chống chịu các va đập với những mảnh rác lớn. Theo thời gian, kích thước của ISS ngày một lớn (hiện đã bằng một sân bóng đá) nên nguy cơ va chạm lớn hơn.
ISS có các khoang thoát hiểm được gia cố để chống chịu tốt những va chạm, đảm bảo an toàn cho các phi hành gia. Không phải va chạm nào giữa ISS với rác vũ trụ cũng gây thảm họa.
Theo ông Schmitt, ISS được trang bị cảm biến áp suất nên nếu va chạm gây ra lỗ thủng, các phi hành gia có thể cô lập môđun bị ảnh hưởng rồi sửa chữa. "Nhưng nếu mảnh vỡ va vào bình nhiên liệu, vấn đề sẽ rất nghiêm trọng và ISS có thể nổ tung. Đây mới thực sự là tột cùng đen đủi!" - ông Schmitt nói với Hãng tin AFP.
Trước Nga, hàng trăm ngàn mảnh vỡ đã phát sinh sau các vụ bắn hạ vệ tinh cũ của Trung Quốc (năm 2007), Mỹ (năm 2008) và Ấn Độ (năm 2019). Phản ứng trước động thái của Nga, Bộ Ngoại giao Đức kêu gọi các nước thiết lập bộ quy tắc ứng xử có trách nhiệm trong không gian.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov gọi các chỉ trích của Mỹ là "đạo đức giả", nhắc lại việc Washington đã phớt lờ hiệp ước không chạy đua vũ trang trên không gian (do Nga và Trung Quốc đề xuất) để theo đuổi mục tiêu chiếm ưu thế quân sự trong vũ trụ. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova, đã tới lúc thế giới cần một cơ chế ràng buộc pháp lý để ngăn chặn chạy đua vũ trang trong không gian.
TTO - Bộ Quốc phòng Nga xác nhận đã bắn trúng và phá hủy thành công một vệ tinh đã ở trên quỹ đạo từ năm 1982, song phủ nhận hành động này tạo ra hàng ngàn mảnh vỡ đe dọa Trạm không gian quốc tế (ISS).