Hội thảo với chủ đề “Chuyển đổi số nông nghiệp - nông thôn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” tổ chức chiều 17/11 đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp đáng chú ý. Đây là hội thảo chuyên đề thứ 9 trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao thường niên lần thứ ba về công nghiệp 4.0 do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì.
Kiến tạo số hoá phát triển ngành nông nghiệp
Nông nghiệp được xác định là một trong 8 lĩnh vực ưu tiên trong chương trình chuyển đổi số quốc gia. Theo ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, những thành công của ngành nông nghiệp gần đây có nhiều đóng góp từ việc triển khai hệ thống giải pháp, phát triển khoa học công nghệ, đã dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại.
Việc chuyển đổi số ngành nông nghiệp là giải pháp tổng thể góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững của ngành.
Tiêu biểu trong trồng trọt là các phần mềm phân tích dữ liệu về môi trường, giai đoạn sinh trưởng của cây, cho phép truy xuất, theo dõi các thông số này theo thời gian thực. Trong chăn nuôi là ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT), block chain, công nghệ sinh học ở trang trại quy mô lớn...
Theo Thứ trưởng, ước tính đến hết năm 2021, cả nước có 19.000 hợp tác xã nông nghiệp và 79 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, trong đó trên 2.200 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số trong sản xuất (chiếm 12%).
"Toàn ngành nông nghiệp đang tập trung thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, coi đây là giải pháp đột phá tạo động lực mới cho tăng trưởng, phát triển ngành với trọng tâm là xây dựng nền nông nghiệp minh bạch dữ liệu, thông tin và có trách nhiệm với người sản xuất, với người tiêu dùng”, ông nói.
Là một trong những quốc gia nằm ở khu vực Trung Đông, Israel có tới 60% diện tích là sa mạc và thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ hạn hán bởi mùa hè cực kỳ nóng và rất ít mưa. Vượt lên trên điều kiện khí hậu khắc nghiệt ấy, Israel hiện là quốc gia có nền nông nghiệp phát triển hàng đầu thế giới, không những đáp ứng đủ cho 95% nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu sản phẩm sang các thị trường khác.
Ông Nadav Eshcar - Đại sứ Israel tại Việt Nam chia sẻ: “Trước đây, Israel chẳng có gì ngoài cát, sự khô nóng, nghèo nàntài nguyên nước, năng lượng và hoá chất. Chúng tôi buộc phải tìm mọi cách để sinh tồn, sản xuất thực phẩm nuôi sống người dân. Muốn làm được điều đó, từ những năm 50 của thế kỷ trước, chúng tôi bắt đầu hành trình biến sa mạc thành những cánh đồng xanh”.
Theo ông, đến nay, phát minh về công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel đã nổi tiếng toàn thế giới - phát triển nông nghiệp chất lượng cao trong điều kiện bất khả thi. Nó không phải là sự ngẫu nhiên mà đây là quá trình dài hơi nghiên cứu và ứng dụng vào sản xuất.
Ở góc độ công nghiệp sản xuất giống vật nuôi, Israel đã sở hữu công nghệ nhận diện giới tính trong phôi trứng, nhờ đó chủ động lựa chọn sản phẩm đầu ra (gà trống hay gà mái)... Đó chỉ là một trong vô số sản phẩm công nghệ đột phá của Israel trong lĩnh vực nông nghiệp.
“Để làm được điều đó, chúng tôi tạo ra một hệ sinh thái “tam giác quan hệ” với 3 đỉnh: Nhà nước - giới học giả của doanh nghiệp khoa học công nghệ - người thụ hưởng (nông dân, trang trại...)”, ông Nadav Eshcar chia sẻ.
Từ những vấn đề bất cập mà nông dân gặp phải trong sản xuất nông nghiệp, vị Đại sứ cho biết, Nhà nước sẽ đặt hàng và cung cấp tài chính để các đơn vị nghiên cứu giải pháp.
Theo đó, sản phẩm nghiên cứu sẽ được chuyển giao cho doanh nghiệp và doanh nghiệp cung ứng cho nông dân. Ngược lại, dựa trên lợi nhuận kinh doanh, doanh nghiệp sẽ nộp thuế cho nhà nước. “Đó là một vòng tuần hoàn mà tất cả các bên tham gia đều có lợi ích”, ông nhấn mạnh.
Hướng tới nền nông nghiệp phát thải thấp
Đánh giá cao nền nông nghiệp đang trên đà phát triển của Việt Nam, bà Dina Umali Deininger – Giám đốc thực hành nhóm nông nghiệp và thực phẩm của World Bank - đánh giá Việt Nam là một trong những ví dụ điển hình về thành công trong nông nghiệp và có rất nhiều cơ hội để phát triển trong tương lai tại Việt Nam.
“Việt Nam là một cường quốc về nông nghiệp, kim ngạch xuất khẩu cũng rất là lớn và Việt Nam cũng nằm trong số quốc gia hàng đầu trên thế giới về xuất khẩu hạt điều, cà phê và lúa gạo. Quốc gia này có rất nhiều cơ hội về cung ứng lương thực thực phẩm trên toàn cầu, dự báo sẽ tăng thêm 60% vào năm 2030”, bà Dina nói.
Tuy nhiên, theo bà, để duy trì sự phát triển bền vững đó thì sẽ có những thách thức song hành. Trong những thách thức mà Việt Nam đang phải đối mặt, nông nghiệp có tăng trưởng nhưng tốc độ còn chậm, đóng góp vào GDP của ngành nông nghiệp cũng đang giảm đi.
Hơn nữa, cách để ngành nông nghiệp thành công thì nó cũng đi kèm với một số loại chi phí như phát triển nông nghiệp không bền vững, hoặc sử dụng quá mức các nguồn tài nguyên như nguồn nước…
“Việc sử dụng quá mức thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, và có một vấn đề rất lớn về suy giảm chất lượng của đất, việc khai thác nước ngầm quá mức, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu… đều ảnh hưởng tới ngành nông nghiệp Việt Nam trong những năm vừa qua”, bà nói.
Theo đại diện của World Bank, ngành nông nghiệp cũng là một nạn nhân của biến đổi khí hậu. Chính phủ Việt Nam cũng đã có những chính sách rất là mạnh mẽ và quyết đoán để phát triển ngành nông nghiệp bền vững, bao gồm cả các chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cũng cam kết giảm phát thải khí nhà kính trong thời gian tới.
Bà cũng nhấn mạnh, việc giảm phát thải khí nhà kính trong ngành nông nghiệp là một vấn đề rất quan trọng và cần được quan tâm hơn nữa.