Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam - CTCP (MCK: ACV) mới đây vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2021 với tình hình kinh doanh không mấy khả quan.
Cụ thể, trong quý III, ACV ghi nhận doanh thu thuần 371 tỷ đồng, giảm 74% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu từ các hoạt động tài chính đạt 465 tỷ đồng, giảm 19,9% so với cùng kỳ. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng 54,1% so với cùng kỳ năm ngoái lên đến 286 tỷ đồng.
Kinh doanh dưới giá vốn khiến doanh nghiệp báo lỗ 856 tỷ đồng chỉ trong 3 tháng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lợi nhuận đạt 139 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 3.798 tỷ đồng, giảm 38% so với năm ngoái ghi nhận con số 6.083 tỷ đồng. Cùng với đó, lợi nhuận sau thuế cũng giảm 64% chỉ còn 497 tỷ đồng.
Lý giải cho việc thua lỗ kỷ lục trên, phía doanh nghiệp cho biết do ACV là đơn vị chịu ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh trong khi vẫn phải có những chính sách để hỗ trợ các hãng hàng không cũng chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh. Doanh thu của hoạt động tài chính cũng do sự sụt giảm của lãi tiền gửi.
Bên cạnh đó, ACV phải thực hiện nhiệm vụ kép là vừa đảm bảo hoạt động khai thác, hiệu quả, thông suốt trong giai đoạn cao điểm đồng thời đảm bảo an ninh hàng không, an toàn vệ sinh dịch tế,... đã làm tăng các khoản chi thường xuyên để bố trí nhân sự và chi phí y tế.
Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm, ACV ghi nhận nợ xấu tăng mạnh từ mức 125 tỷ đồng vào đầu năm lên gần 700 tỷ đồng vào cuối quý III. Đây là những khoản tiền nợ quá hạn hoặc chưa quá hạn nhưng được đánh giá là khó có khả năng thu hồi.
Cụ thể, tính đến 30/9, CTCP Hàng không Vietjet (Vietjet Air) có khoản nợ xấu lớn nhất là 286 tỷ đồng, mới phát sinh trong năm 2021. ACV đã trích lập dự phòng hơn 86 tỷ đồng cho khoản nợ xấu trên.
CTCP Pacific Airlines và CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) phát sinh nợ xấu tại ACV lần lượt 250 tỷ đồng và 115 tỷ đồng.
CTCP Hàng không Mê Kông (Air Mekong) nợ quá hạn gần 26 tỷ đồng, Airasia Berhad nợ hơn 12 tỷ đồng và các hãng khác nợ hơn 10 tỷ đồng.
Đến cuối quý III, ACV đã phải trích lập dự phòng tổng cộng 255,3 tỷ đồng vì các khoản nợ xấu kể trên. Đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến lợi nhuận của Tổng công ty Cảng hàng không trong 9 tháng đầu năm.
Về nguồn vốn, nợ phải trả tính đến ngày 30/9 của công ty Cảng hàng không đạt gần 18 nghìn tỷ đồng, bằng 32% tổng tài sản và bằng 48% vốn chủ sở hữu. Cơ cấu nợ đa phần là nợ dài hạn trong đó nhiều nhất là nợ vay và nợ thuê tài chính dài hạn lên tới 14 nghìn tỷ đồng.
Sau 9 tháng đầu năm, tổng nợ phải trả của ACV giảm 1.447 tỷ đồng. Tổng tài sản của doanh nghiệp giảm từ 57 nghìn tỷ đồng xuống còn 55 nghìn tỷ đồng, giảm 3,5%.
Trước bối cảnh nhiều khó khăn thách thức, doanh nghiệp đặt mục tiêu năm 2021 có tổng doanh thu 10.564 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 2.359 tỷ đồng. Sau 9 tháng đầu năm doanh nghiệp mới thực hiện được 36% tổng doanh thu và 26% lợi nhuận theo kế hoạch đề ra.
Chốt phiên giao dịch ngày 16/11, cổ phiếu ACV đang dừng ở mức giá 86.000 đồng/cổ phiếu.
Báo cáo của Hiệp hội doanh nghiệp hàng không Việt Nam (VABA) cho biết, doanh thu năm 2020 của các hãng hàng không Việt giảm trên 60% (khoảng 100.000 tỷ đồng). Các hãng hàng không Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airways lỗ từ hoạt động hàng không 16.000 tỷ đồng.
Tính đến hết thàng 6/2021, nợ ngắn hạn và nợ đến hạn phải trả của 3 hãng đã lên tới 36.000 tỷ đồng (riêng Vietnam Airlines 20.000 tỷ đồng).
Đặc biệt, năm 2021, đợt bùng phát dịch lần 3 và 4 vào dịp cao điểm Tết cổ truyền và Hè đã khiến doanh thu hàng không giảm sâu (riêng tháng 5-6 doanh thu giảm 90% so với cùng kỳ năm 2020) khiến các hãng càng suy kiệt. Trong khi đó, để duy trì hoạt động tối thiểu trong mùa dịch, các hãng phải chi trên 100 tỷ đồng/ngày.