Mới đây, theo phản ánh của nhiều cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh, từ tháng 5/2021 đến nay, họ chỉ nhận được 50% mức lương theo hợp đồng, khiến cuộc sống của nhiều gia đình gặp khó khăn.
Để có chi phí trang trải cho cuộc sống, nhiều nhân viên y tế đã phải chọn cách vừa làm nghề vừa kiếm việc làm thêm như: bán rau, ship hàng hoặc làm thêm đủ nghề để trang trải sinh hoạt.
Câu chuyện thu nhập tại bệnh viện không đủ cho mức sống của cán bộ, y, bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh đã xảy ra từ giữa năm 2019.
Cụ thể, vào ngày 4/6/2019 khi Bộ Y tế có Quyết định số 2218/QĐ-BYT về việc giao quyền tự chủ cho Bệnh viện Tuệ Tĩnh, đời sống của cán bộ, viên chức, người lao động tại bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn.
Theo như phản ánh của CBCNV, người lao động tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh chỉ được hưởng nguyên lương, trong khi đó các khoản tiền thu nhập tăng thêm, tiền phúc lợi xã hội… bị cắt bỏ hoàn toàn.
Nhân viên phản ánh bệnh viện nợ lương nhiều tháng.
Được biết, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 19/5/2019 về việc thực hiện thí điểm đối với 4 bệnh viện "hạng đặc biệt" là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K, Bệnh viện Chợ Rẫy, thì Bệnh viện Tuệ Tĩnh, một bệnh viện hạng II thời điểm đó đã xin được tự chủ.
Việc xin tự chủ được cho là nguyên nhân dẫn tới việc thu nhập của CBCNV bệnh viện bị ảnh hưởng.
Trước những khó khăn đó, trong năm 2020 Bệnh viện đã có công văn số 468/HVYDHCTVN-TCKT gửi Bộ Y tế xin ý kiến chỉ đạo về việc chi phúc lợi và thu nhập tăng thêm cho các đơn vị trực thuộc từ nguồn sau chênh lệch thu chi của đơn vị.
Ngày 24/8/2020, Bộ Y tế đã có công văn số 4516/BYT-KHTC trả lời đơn vị và nêu rõ, do tình hình thực tế, đặc biệt, dịch bệnh Covid-19 dẫn tới nguồn thu tại đơn vị trực thuộc của Học viện bị giảm sút, ảnh hưởng đến hoạt động chuyên môn cũng như thu nhập của cán bộ, công nhân viên chức.
Công văn có nêu, để đơn vị ổn định, duy trì được hoạt động thường xuyên và nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh, căn cứ vào các quy định nêu trên, Bộ Y tế đồng ý về chủ trương với đề xuất của Học viện về việc chi phúc lợi và thu nhập tăng thêm cho người lao động tại các đơn vị trực thuộc, từ nguồn sau chênh lệch thu chi của Học viện (sau khi thực hiện trích lập Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp) theo nguyên tắc bảo đảm đúng tiêu chuẩn, định mức theo các quy định hiện hành, quy định cụ thể trong Quy chế chi tiêu nội bộ do Thủ trưởng đơn vị ban hành sau khi tổ chức thảo luận rộng rãi, dân chủ, công khai trong đơn vị và có ý kiến thống nhất của tổ chức Công đoàn đơn vị.
Tuy nhiên sau 1 năm, tập thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh lại tiếp tục "kêu cứu" tới Bộ Y tế vì thu nhập không đảm bảo cho cuộc sống.
Trao đổi với một lãnh đạo Bộ Y tế, người này cho biết Bộ Y tế đã có một đoàn công tác tới làm việc với Bệnh viện sau khi nhận được đơn thư của tập thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh. Bộ Y tế cũng đã có công văn trả lời về vấn đề này.
"Tuy nhiên, hiện nay CBCNV trong bệnh viện vẫn còn cảm thấy bị thiệt thòi. Do bệnh viện trực thuộc quản lý của Học viện, do vậy, những vấn đề khúc mắc của nhân viên trong bệnh viện, lãnh đạo của Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam phải có trách nhiệm trả lời rõ cho nhân viên. Về phía Bộ Y tế đã làm việc với bệnh viện, có biên bản kết luận rõ vấn đề này", vị lãnh đạo này cho hay.
Theo Ngọc Minh
Tổ Quốc