Ngày nay, câu chuyện ngoại tình hay cánh đàn ông trở thành "Sugardaddy" (Bố đường) bao nuôi bồ nhí đã chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Rõ ràng đây là một hình thức biến tấu của mua bán dâm gây ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, thế nhưng nếu nhìn chúng trên góc độ kinh tế học, bạn sẽ thấy một bức tranh tổng thể khá thú vị.
Chế độ 1 vợ 1 chồng là chính sách được nhiều chính phủ trên thế giới công nhận và không phải ngẫu nhiên chúng được duy trì. Nếu coi phụ nữ là tài nguyên thì loại tài nguyên này có hạn và đang trở nên khan hiếm, nhất là trong bối cảnh thích đẻ con trai ở Châu Á.
Bởi vậy, các quốc gia muốn duy trì 1 vợ 1 chồng để đảm bảo nam giới mặt bằng chung đều có bạn đời mà không phải dồn toàn bộ cho những người giàu. Thế nhưng với câu chuyện "bố đường", cánh đại gia đang lách luật khi gom tài nguyên-ở đây là phụ nữ- về cho mình.
Hãy giả sử một cơ cấu dân số cân bằng khi số nam giới bằng nữ giới. Nếu 10% đàn ông thuộc tầng lớp nhà giàu nuôi 3 bồ nhí một lúc và 90% nam giới còn lại chỉ lấy 1 vợ thì tỷ lệ cho những cặp 1 vợ 1 chồng sẽ là 9 người đàn ông cho mỗi 7 phụ nữ. Rõ ràng nạn nuôi bồ nhí đang làm gia tăng khả năng ế vợ cho cánh mày râu nhà nghèo kém hấp dẫn.
Nói đơn giản hơn, cánh nhà giàu lấy vợ và cặp bồ hết phụ nữ rồi nên chẳng còn đủ vợ để cưới cho tầng lớp còn lại.
Rõ ràng, quy luật cung cầu trên thị trường tự do cho thấy với một lượng tài nguyên- mà ở đây là phụ nữ- có giới hạn, nhu cầu quá cao sẽ khiến một lượng lớn khách hàng-ở đây là nam giới- phải ra về trắng tay.
Tồi tệ hơn, câu chuyện ế vợ không phải tác hại duy nhất mà những đại gia "bố đường" gây ra cho cánh mày râu nói chung mà chúng còn đang khiến nam giới dần trở nên mất giá.
Những nạn nhân thực sự
Như đã phân tích bên trên, nạn nuôi bồ nhí đang tạo ra sự mất cân bằng nam nữ trong nhóm những người chỉ muốn có một bạn đời.
Giới nhà giàu đang hại cánh mày râu khi nuôi bồ nhí?
Do quá thiếu phụ nữ phù hợp để kết hôn nên các "điều khoản giao dịch" trên "thị trường bạn tình" này sẽ trở nên cực kỳ bất lợi cho đàn ông. Theo lý thuyết kinh tế về cung cầu trên thị trường tự do, cầu vượt cung đã khiến giá tài nguyên mà ở đây là phụ nữ lên cao. Đàn ông ngày càng trở nên mất giá trong khi phụ nữ có giá trị cao hơn, hệ quả là cánh mày râu phải tốn nhiều tiền bạc, nguồn lực hơn để có thể thu hút được phái đẹp.
Do phụ nữ quá hiếm nên đàn ông phải đối mặt với áp lực kiếm tiền và đổ nhiều thời gian rèn luyện cơ bắp nhằm dễ kiếm bạn đời hơn.
Đàn ông cũng sẽ đi phẫu thuật thẩm mỹ nhiều hơn, chi phí mua nhẫn đính hôn tăng, bó hoa tặng nàng ngày Lễ Tình nhân sẽ phải gồm hai tá hoa hồng. Thế nhưng dù cho cánh đàn ông có nỗ lực đến đâu đi chăng nữa thì một số nhất định cũng phải chịu cảnh phòng không.
Chúng ta có thể thấy rõ tình trạng thừa nam thiếu nữ ở Trung Quốc do phá thai khi biết là con gái và chế độ 1 con khiến nữ giới cực kỳ có giá trên thị trường hôn nhân nước này. Tình hình này cũng diễn ra ở nhiều nước phát triển như Hàn Quốc, khiến cánh mày râu đua nhau sang các quốc gia nghèo hơn để kiếm vợ khi phụ nữ của nước họ trở nên đắt giá.
Tất nhiên việc dựa trên lý thuyết kinh tế để giải thích câu chuyện "bố đường" đang hại chính nam giới không thực sự thỏa đáng bởi nhiều bồ nhí vẫn lấy được chồng, nhiều "Sugar Baby" vẫn có thể kết hôn sau khi đã chia tay với đại gia. Tuy nhiên một thực tế rõ ràng rằng việc đại gia có thể bao nuôi nhiều bồ nhí hiện nay đang khiến một cơ số đáng kể cánh mày râu bị ế so với một thị trường tự do lý tưởng khi chế độ 1 vợ 1 chồng-không bồ nhí được đảm bảo chắc chắn.
Băng Băng
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị