Ông Nguyễn Thành Tài bị đề nghị 5-6 năm tù. Ảnh: N.NHI
Trước tòa, ông Tài nghẹn ngào: "Xem như tất cả đều bị xoá sạch, tôi không nói mình bị thiệt hơn. Tôi chỉ muốn nói một điều thôi, tôi muốn có sự công bằng". Sau vài dòng ngắn gọn, chủ toạ cho ông về lại hàng ghế bị cáo và ghi nhận lời trình bày của hai luật sư cho ông.
Hai luật sư hoàn toàn không đồng ý với cáo buộc tại kết luận điều tra và cáo trạng đối với ông Tài. Việc kết luận điều tra cho rằng ông Tài không phụ trách việc xử lý, sắp xếp lại tài sản nhà nước, không là thành viên trong BCĐ 09 TP.HCM nhưng vẫn ký văn bản ngày 5-3-2010 gửi các đơn vị liên quan có nội dung về việc chấp thuận cho hoán đổi tài sản là không chính xác.
Bị cáo Bạch Diệp kêu oan. Ảnh: N.NHI
Luật sư Trương Trọng Nghĩa đề nghị HĐXX tuyên ông Tài không có tội. Việc buộc tội ông Tài chịu trách nhiệm hình sự trong việc hoán đổi này là oan, sai đối với ông Tài. Tại thời điểm ông Tài còn là phó chủ tịch thì việc hoán đổi chưa hoàn tất nên tài sản nhà nước chưa bị thất thoát.
Hơn nữa, Nhà nước hoàn toàn có thể thu hồi lại GCNQSDĐ đối với nhà đất 185 Hai Bà Trưng đã cấp và thu hồi lại nhà đất này nên không còn thiệt hại.
Việc Sở TN&MT cấp Giấy chứng nhận QSDĐ đối với nhà đất 185 Hai Bà Trưng khi Công ty Diệp Bạch Dương chưa hoàn thành nghĩa vụ luật định là chưa đúng quy định của pháp luật đất đai tại thời điểm đó. Nên căn cứ vào điểm d khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai 2013, Nhà nước có quyền thu hồi giấy chứng nhận đã cấp khi không đủ điều kiện được cấp.
Từ đó, xác định Công ty Diệp Bạch Dương không có quyền sử dụng đất, quyền sử dụng nhà ở đối với nhà đất 185 Hai Bà Trưng và không có quyền thế chấp cho ngân hàng.
Việc công ty này ký hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp tài sản 185 Hai Bà Trưng có thể coi là vi phạm điều cấm, và các hợp đồng đó bị vô hiệu. Công ty phải trả tiền vay lại cho ngân hàng và ngân hàng phải hoàn trả tài sản bị chiếm dụng và sử dụng bất hợp pháp về cho Trung tâm ca nhạc nhẹ. Khi đó, có thể xác định Nhà nước chưa bị thiệt hại gì trong vụ việc này.