Chính phủ tán thành đề xuất của Bộ Tài chính về việc tiếp tục gia hạn giảm các khoản phí, lệ phí đã giảm trong năm 2021 đến hết tháng 6.2022 và tiếp tục rà soát để điều chỉnh giảm các loại phí, lệ phí khác trong năm 2022. Các chuyên gia kinh tế nhận định, khi doanh nghiệp đang “đói vốn” việc giảm tiếp các loại phí, lệ phí đến giữa năm sau là phù hợp với thực tiễn để có thể đảm bảo tăng trưởng kinh tế một cách bền vững, ổn định.
Kéo dài giảm phí, lệ phí
Bộ Tài chính dự báo, trong năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường; có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với những biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn. Do đó, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, Bộ Tài chính đã có văn bản rà soát giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính cho rằng một số doanh nghiệp đề nghị miễn phí sử dụng đường bộ trong thời gian tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của UBND cấp tỉnh trong thời gian giãn cách. Ngoài ra, Công văn số 8236 của Bộ GTVT cũng đề nghị tiếp tục giảm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đến hết năm 2022. Phí sử dụng đường bộ cũng được Bộ GTVT đề nghị giảm đến hết tháng 6.2022.
Theo Bộ Tài chính, trong năm 2020, nhằm hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân vì COVID-19, loạt phí, lệ phí đã được giảm 20-50%, như: Lệ phí cấp giấy phép lập, hoạt động ngân hàng; lệ phí cấp chứng chỉ năng lực/hành nghề hoạt động xây dựng; phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng; phí thẩm định thiết kế cơ sở; phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán; lệ phí sở hữu công nghiệp... Chính sách này sau đó được “nới” thêm thời hạn đến hết năm 2021.
Ngoài ra, năm 2021, Chính phủ còn giảm thêm phí sử dụng kết cấu hạ tầng đường sắt; phí thẩm định cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự; phí trong lĩnh vực thú y. Các loại phí này giảm 10-50%.
Với những dự báo khó khăn như đã nêu, Bộ Tài chính báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về 2 chủ trương: Thứ nhất, cho phép tiếp tục kéo dài thời gian hết 06 tháng đầu năm 2022 đối với các khoản phí, lệ phí đã giảm năm 2021; chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các Bộ tiếp tục rà soát, điều chỉnh giảm phí, lệ phí khác để hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong năm 2022.
Thứ 2, cho phép Bộ Tài chính ban hành các Thông tư giảm phí, lệ phí theo trình tự, thủ tục rút gọn, có hiệu lực thi hành ngay, để kịp thời hỗ trợ đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tại thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái mới đây (15.11), Văn phòng Chính phủ cho biết, lãnh đạo Chính phủ đồng ý với đề xuất trên của Bộ Tài chính. Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu các bộ khẩn trương rà soát, đề xuất điều chỉnh mức thu các khoản phí, lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực quản lý, gồm các khoản đã giảm trong năm 2021, và gửi về Bộ Tài chính để xem xét.
Ông Lê Minh Khái cũng đồng ý áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn khi ban hành Thông tư giảm phí, lệ phí để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường
Trao đổi với Lao Động, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng, việc kéo dài thời gian giảm các khoản phí, lệ phí đã góp phần tạo động lực cho người dân, doanh nghiệp vực dậy sản xuất và tiêu dùng, đóng góp tích cực trong việc phục hồi nền kinh tế do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, ông Thịnh cho rằng, doanh nghiệp cũng rất cần một môi trường ổn định với những chính sách dài hơi, đặc biệt các chính sách liên quan đến thuế.
“COVID-19 đã kéo dài gần hết năm thứ 2 và chuẩn bị sang năm thứ 3. Rõ ràng, việc xây dựng các luật, đặc biệt luật về thuế phải cẩn trọng tỉ mỉ, vừa cụ thể thận trọng, vừa phù hợp thực tiễn. Chú trọng lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động. Đây là những vấn đề mang tính lâu dài cho hoạt động sản xuất kinh doanh, phù hợp với Việt Nam và thông lệ quốc tế. Cũng cần xây dựng trên nền tảng áp dụng trong thời gian lâu dài nhưng có khả năng dự báo trước sự thay đổi”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của nội tại doanh nghiệp cần phải thay đổi, trong đó có tự tái cấu trúc hướng đến tiết kiệm mọi chi phí. Trong khi đó, chuyên gia về thuế TS Nguyễn Ngọc Tú - Giảng viên Đại học Kinh doanh và Công nghệ cho rằng, việc kéo dài thời gian giảm các khoản phí, lệ phí sẽ ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi doanh nghiệp đang “đói vốn”, gặp nhiều khó khăn trong việc sản xuất, kinh doanh thì đề xuất này của Bộ Tài chính là rất đáng mừng.
Theo ông Tú, thuế, phí là một lĩnh vực hết sức nhạy cảm đối với sản xuất, đời sống kinh tế - xã hội, có tác động rất lớn đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của doanh nghiệp và tác động tới sự ổn định kinh tế vĩ mô (tăng trưởng, lạm phát, công ăn việc làm…). Do đó, những chính sách liên quan đến thuế, phí phù hợp với thực tiễn sẽ góp phần giúp doanh nghiệp ổn định để còn yên tâm làm ăn, phục hồi sau dịch COVID-19.
“Thực tế đã chứng minh, việc giảm các loại phí, lệ phí trong thời gian qua có tác động khá tích cực đến hoạt động của doanh nghiệp. Đặc biệt là việc giảm mạnh các phí liên quan thành lập, công bố thông tin doanh nghiệp, thẩm định sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động…”, ông Tú nói thêm.
Xem thêm: odl.369479-taux-nas-ial-cox-peihgn-hnaod-ed-ihp-iaol-cac-maig-naig-ioht-iad-oek/et-hnik/nv.gnodoal