Sáng 18-11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) đã chủ trì cuộc họp đầu tiên của Thường trực Ban Chỉ đạo, kể từ khi Ban Chỉ đạo được Bộ Chính trị bổ sung thêm chức năng phòng, chống tiêu cực – cách gọi tắt về nhóm hành vi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, tháng 9-2021.
Phiên họp này thống nhất đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo xử lý hành vi tiêu cực của cán bộ, đảng viên liên quan đến ba vụ án, vụ việc sau đây:
(1) Việc xử lý cán bộ, đảng viên tiêu cực liên quan đến vụ án buôn lậu, vụ án vận chuyển trái phép tiền tệ, hàng hóa qua biên giới và vụ án đánh bạc, tổ chức đánh bạc xảy ra tại An Giang.
(2) Việc xử lý cán bộ, đảng viên tiêu cực trong vụ án thi tuyển công chức tại tỉnh Phú Yên.
(3) Việc xử lý cán bộ, đảng viên tiêu cực trong việc giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù đối với Phan Sào Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong vai trò Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về PCTNTC, sáng 18-11. Ảnh: noichinh.vn
10 tháng, kỷ luật 20 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý
Đánh giá công tác từ sau phiên họp 19 của Ban Chỉ đạo vào tháng 1-2021 đến nay, Thường trực Ban Chỉ đạo khẳng định công tác phát hiện, xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh.
Trong đó, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tập trung kiểm tra, xử lý kỷ luật và kiến nghị, yêu cầu xử lý kỷ luật 12 tổ chức đảng và 20 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý liên quan đến các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Trong số này có ba Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, hai thứ trưởng, một nguyên Chủ tịch tỉnh, một nguyên Phó Bí thư tỉnh ủy, 13 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.
Đáng chú ý là đã phát hiện, xử lý được vụ việc tiêu cực trong lĩnh vực tư pháp, đi đến xử lý chín tập thể, 29 cá nhân có liên quan đến việc giảm chấp hành hình phạt tù trước thời hạn cho Phan Sào Nam.
Ban Chỉ đạo đã hình thành cơ chế chỉ đạo phối hợp xử lý sai phạm được phát hiện trong quá trình thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Trên cơ sở đó, thời gian qua các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đã chuyển hơn 270 hồ sơ vụ việc có dấu hiệu tội phạm đến cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định - gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ các năm trước, khi chưa có cơ chế chỉ đạo phân công này.
Về công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, từ sau phiên họp 19 đến nay, cơ quan tiến hành tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 2.130 vụ/4.084 bị can, truy tố 2.024 vụ/4.056 bị can, xét xử sơ thẩm 1.898 vụ/3.471 bị cáo. Trong đó về tội phạm tham nhũng, đã khởi tố, điều tra 266 vụ/646 bị can; truy tố 250 vụ/643 bị can; xét xử sơ thẩm 214 vụ/525 bị cáo.
Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 8 vụ án/38 bị can, khởi tố thêm 78 bị can trong 14 vụ án; kết thúc điều tra 13 vụ án/123 bị can, kết luận điều tra bổ sung 4 vụ/52 bị can, ban hành cáo trạng truy tố 15 vụ án/151 bị can, xét xử sơ thẩm 15 vụ án/86 bị cáo, xét xử phúc thẩm 9 vụ án/40 bị cáo.
Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc thay mặt Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC báo cáo tại cuộc họp. Ảnh: noichinh.vn
Ở mảng công tác này, thông cáo báo chí của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh kết quả mở rộng điều tra, làm rõ bản chất hành vi chiếm đoạt, tham nhũng, khởi tố thêm nhiều bị can, trong đó có cả cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang, với 10 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Cùng với đó là đã khởi tố mới nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp, như: Các vụ án xảy ra trong lĩnh vực y tế; vụ án xảy ra tại một số đơn vị thuộc Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng; các vụ án vi phạm quy định quản lý đất đai, quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước xảy ra tại Bình Dương, Khánh Hòa, TP.HCM...
Đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án tiêu cực xảy ra trong lĩnh vực giáo dục, lợi dụng dịch bệnh COVID-19 để trục lợi và sai phạm trong lực lượng chống tham nhũng.
Lưu ý vụ án buôn lâu, sản xuất xăng dầu giả ở Đồng Nai
Kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư – Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về PCTNTC yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Kết luận 21 của Hội nghị Trung ương 4 về xây dựng, chỉnh đốn đảng và Quy định 32 Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo, tạo cho được tinh thần mới, khí thế mới, quyết tâm mới trong đấu tranh PCTNTC.
Trên tinh thần đó, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm 2021 theo đúng kế hoạch.
Trong đó lưu ý vụ án, vụ việc xảy ra trong lĩnh vực y tế; các vụ án, vụ việc vi phạm quy định quản lý đất đai, quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước xảy ra tại Bình Dương, Khánh Hòa, TP.HCM; vụ án đưa hối lộ, nhận hối lộ, buôn lậu, sản xuất, buôn bán xăng dầu giả… xảy ra tại Đồng Nai và một số tỉnh, thành phố; vụ án xảy ra tại một số đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội Biên phòng.