Các thực khách ăn uống bên ngoài một nhà hàng ở khu phố nổi tiếng Cais do Sodre tại thủ đô Lisbon, Bồ Đào Nha - Ảnh: Bloomberg
Ngày 19-11, các bộ trưởng của Bồ Đào Nha họp với nhóm chuyên gia y tế để đánh giá tình hình COVID-19 ở quốc gia hơn 10 triệu dân này trước khi đi đến quyết định sẽ áp dụng những biện pháp chống dịch mới nào trong bối cảnh "tấm khiên" vắc xin đang trở nên mỏng manh hơn.
Vì Giáng sinh bình an
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh số ca nhiễm mới đã tăng dần trong tháng qua ở Bồ Đào Nha. Từ giữa tháng 9 đến cuối tháng 10 năm nay Bồ Đào Nha ghi nhận chưa tới 1.000 ca nhiễm mỗi ngày. Tuy nhiên hiện nay số ca mắc mới theo ngày đã tăng lên 2.000.
Đầu tuần này Bồ Đào Nha ghi nhận tỉ lệ ca nhiễm trong 14 ngày ở mức 156 ca nhiễm/100.000 người, gấp đôi Tây Ban Nha. Hôm 17-11, nước này có thêm 2.527 ca nhiễm và hơn 500 ca nhập viện. Đây là những mức tăng theo ngày cao nhất của họ kể từ đầu tháng 9.
Bồ Đào Nha cho biết đang xem xét áp dụng các biện pháp phòng dịch mới sau những diễn biến đáng lo vừa nêu. Hôm 16-11, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa cảnh báo nước này có thể sẽ áp dụng trở lại một số biện pháp ngăn COVID-19 khi mùa lễ hội đến gần, song loại trừ việc tái áp đặt tình trạng khẩn cấp. Theo ông Costa, Bồ Đào Nha chủ trương đưa ra các biện pháp mới "càng ít gây xáo trộn cuộc sống của người dân càng tốt".
Bồ Đào Nha ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài từ tháng 11-2020 tới tháng 4 năm nay để có thể áp dụng các biện pháp hạn chế phòng dịch cần thiết. Tuần này Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa cho biết việc quay lại áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở các không gian công cộng là điều không tránh khỏi. Bồ Đào Nha từng áp dụng quy định này từ tháng 10 năm ngoái tới ngày 13-9 năm nay. Hiện nước này vẫn áp dụng quy định xuất trình xác nhận tiêm chủng COVID-19 của Liên minh châu Âu (EU) khi vào các hộp đêm và quán bar.
Chúng ta phải cố gắng hành động ngay để có thể bước vào kỳ nghỉ Giáng sinh với ít lo sợ hơn. Hành động càng muộn, rủi ro sẽ càng lớn.
Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa nói
"Phòng thí nghiệm đại dịch"
Bồ Đào Nha đang là quốc gia có tỉ lệ tiêm ngừa COVID-19 cao nhất châu Âu và thứ 3 thế giới. Theo báo New York Times, tính đến ngày 17-11, hơn 87% dân số nước này đã tiêm đủ liều, chỉ đứng sau Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (90%) và Singapore (88%).
Tuy nhiên, nhiều quan chức y tế Bồ Đào Nha vẫn lo ngại về làn sóng dịch mới có thể đến trong mùa đông năm nay và sự gia tăng số ca nhập viện, đặc biệt ở những người lớn tuổi dễ tổn thương. Chính quyền đang thúc giục những người trên 65 tuổi đi tiêm mũi vắc xin tăng cường.
Ở Bồ Đào Nha, dữ liệu chính thức cho thấy 100% người cao tuổi đã được tiêm chủng, tuy nhiên nhiều người được tiêm từ cách đây hơn nửa năm, có lẽ lượng kháng thể đã giảm phần nào theo thời gian như các nghiên cứu của Mỹ và Israel chỉ ra gần đây. Theo báo The Portugal News, các chuyên gia Bồ Đào Nha cho biết nguy cơ mắc bệnh sẽ tăng lên sau khi tiêm khoảng 5 - 6 tháng. Ở người cao tuổi và người có bệnh nền, đã có nhiều trường hợp bệnh nặng phải nhập viện hoặc tử vong.
Ví dụ, dữ liệu về vắc xin của Hãng Pfizer tại Bồ Đào Nha cho thấy ở tháng 9, cứ 1.000 người đã tiêm vắc xin từ tháng 7 lại có 1,7 ca nhiễm đột phá (nhiễm bệnh sau khi đã tiêm đủ liều). Còn với những người đã tiêm trước tháng 3, tỉ lệ nhiễm đột phá cao hơn, là 3,9 ca/1.000 người.
Báo Washington Post cho rằng kỳ tích tiêm chủng của Bồ Đào Nha đã biến nước này thành một "phòng thí nghiệm đại dịch tiên tiến", nơi người ta có thể đặt ra những câu hỏi giả định về hồi kết của COVID-19. Trong đó, có một câu hỏi lớn quan trọng: Một quốc gia có thể kiểm soát COVID-19 ra sao nếu quốc gia đó đạt tỉ lệ tiêm chủng cao nhất có thể?
Đẩy nhanh mũi tăng cường cho người già
Nhà dịch tễ học Manuel Carmo Gomes và chuyên gia Carlos Antunes của Đại học Lisbon (Bồ Đào Nha) nhấn mạnh tầm quan trọng của mũi vắc xin tăng cường. Họ cho rằng nếu mau chóng tiêm được mũi này cho người già "sẽ giúp bù đắp cho sự suy giảm khả năng phòng bệnh có được từ đợt tiêm phòng đầu năm 2021, từ đó giúp họ vượt qua mùa đông với nguy cơ bị bệnh nặng thấp hơn".
TTO - Mỹ có kế hoạch đầu tư hàng tỉ USD mở rộng năng lực sản xuất vắc xin COVID-19 để tăng nguồn cung trên toàn cầu. Bỉ bắt buộc đeo khẩu trang trong không gian kín và làm việc từ xa để ngăn dịch lan rộng. Đức họp khẩn bàn cách ngăn dịch lây lan.
Xem thêm: mth.68535532281111202-nix-cav-neihk-mat-oc-aig-ahn-oad-ob/nv.ertiout