Giá khí đốt trên thị trường châu Âu đã tăng vọt gần 11% trong phiên giao dịch vừa qua ngay sau khi Đức bất ngờ tạm đình chỉ phê duyệt dự án đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 từ Nga sang châu Âu. Thông tin này đã gia tăng sức ép lên ngành chế tác thuỷ tinh tại Italy vốn đang phải gánh những hoá đơn cao đột biến do khủng hoảng năng lượng toàn cầu.
Bên trong một lò luyện thủy tinh rực nóng 1.300 độ C tại hòn đảo Murano, thành phố Venice, Italy, một người thợ đang dùng những dụng cụ đặc biệt để biến khối thủy tinh lỏng trở thành một sản phẩm nghệ thuật tinh xảo. Tuy nhiên, đây có thể sẽ là lần cuối cùng anh đứng ở đây, trước khi lò luyện phải đóng cửa do chi phí nguyên liệu khí đốt đầu vào tăng cao chóng mặt.
"Lò luyện có thể phải tạm dừng. Một cảm giác thật kinh khủng. Chúng tôi không biết bao giờ sẽ hoạt động trở lại và điều này khiến mọi thứ thêm tồi tệ hơn", ông Cristiano Ferro - chủ lò luyện thuỷ tinh chia sẻ.
Từng trải qua chiến tranh và cuộc khủng hoảng kinh tế hồi năm 2008, song ngành công nghiệp chế tác thuỷ tinh tại Murano dường như không thể vượt qua đại dịch và đà tăng nóng của giá năng lượng. Dù giới chức đã chi hơn 3 tỷ Euro nhằm giảm áp lực đối với các doanh nghiệp, song với lò luyện này điều đó là chưa đủ.
Giá khí đốt trên thị trường châu Âu đã tăng vọt. Ảnh minh họa. Nguồn: Tass
Ông Cristiano Ferro cho hay: "Hóa đơn đã tăng gấp 4 lần. Vào cuối tháng 9, tôi chỉ mất 40.000 Euro cho khoảng 175 m3 khí. Nhưng chỉ 1 tháng sau, giá đã tăng lên 170.000 Euro. Như vậy, chúng tôi cần phải tăng giá ít nhất từ 30 - 40% để bù đắp cho sự gia tăng chi phí. Thay vì tự đẩy mình vào rủi ro trong việc định giá, chúng tôi chọn cách ngừng sản xuất".
Theo hãng tin Bloomberg, hợp đồng tương lai khí tự nhiên tại châu Âu đã tăng sát ngưỡng kỷ lục chỉ sau 4 tuần trước những lo ngại về nguồn cung nhiên liệu mùa Đông năm nay. Điều này khiến Murano - nơi được mệnh danh là "cái nôi của ngành chế tác thuỷ tinh thế giới", đứng trước tình cảnh "giọt nước tràn ly" do nhu cầu năng lượng đầu vào là rất lớn.
Ông Luciano Gambaro - chủ lò luyện thuỷ tinh cho biết: "Chúng tôi tiêu thụ khoảng 10 triệu m3 khối khí mỗi năm. Nếu tính trên toàn bộ ngành công nghiệp, đây chỉ là mức trung bình nhưng đối với chúng tôi, khí chính là nước. Giá của chúng đã tăng 500% và khiến chúng tôi gặp khó vô cùng".
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, khó khăn sẽ không chỉ dừng lại ở đó, nhất là khi Nga chưa sẵn sàng tăng nguồn cung khí đốt cho châu Âu trong tháng 12 tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.15035931191111202-gnoul-gnan-aig-iv-nod-nohk-ylati-hnit-yuht-cat-ehc-ehgn/et-hnik/nv.vtv