Pháp thông qua luật bảo vệ quyền động vật lịch sử: bỏ tù người ngược đãi động vật - Ảnh: 30millionsdamis.fr
Sau khi được Tổng thống Emmanuel Macron ký ban hành, luật sẽ cấm việc dùng động vật hoang dã để biểu diễn trong rạp xiếc trong vòng 2 năm tới, cấm sở hữu động vật hoang dã bất hợp pháp trong 7 năm tới. Cấm các buổi biểu diễn với cá heo trong 5 năm tới và cấm ngay lập tức hoạt động nuôi chồn lấy lông.
Theo Đài RFI, luật này chính thức kết thúc hoạt động của trại nuôi chồn lấy lông cuối cùng ở Pháp và cũng là một bước đi lịch sử, có ý nghĩa lớn trong bảo vệ quyền động vật.
Cùng với các biện pháp nhắm vào các rạp xiếc, luật mới sẽ tăng mức phạt tối đa với hành vi ngược đãi động vật lên tới 5 năm tù và phạt tiền lên tới 75.000 euro. Luật cũng siết chặt các quy định về việc bán thú cưng. Theo đó, việc trưng bày và bán mèo, chó con ở các tiệm thú cưng sẽ bị cấm từ ngày 1-1-2024.
Ủng hộ luật này, Bộ trưởng Nông nghiệp Pháp Juilien Denormandie cho biết thú cưng không phải đồ chơi, cũng không phải sản phẩm thương mại để mang bán.
Đài RFI cho biết cứ 2 người Pháp thì có 1 người nuôi thú cưng nhưng hằng năm cũng có khoảng 100.000 thú cưng bị bỏ rơi.
Chủ sở hữu mới của thú cưng sẽ phải ký văn bản thừa nhận trách nhiệm của mình với vật nuôi. Cố ý giết thú cưng sẽ bị pháp luật trừng phạt, không chỉ phạt tiền. Người đã bị kết tội đối xử tàn ác với động vật sẽ bị đưa vào danh sách đen và bị cấm sở hữu thú cưng mãi mãi.
Ông Loïc Dombreval, nhà lập pháp đồng thời là bác sĩ thú y ủng hộ luật, cho biết: "Đối xử tốt với động vật không phải là mối quan tâm riêng của người thành phố yêu thiên nhiên, không phải nhất thời mà là một chủ đề mà ngày càng được nhiều người Pháp quan tâm".
Ông cho rằng, trong tương lai, các vấn đề gây tranh cãi khác chưa được đưa vào phạm vi điều chỉnh của luật, như săn bắn, đấu bò… sẽ được mang ra thảo luận.
Những nhà bảo vệ động vật tiếp tục kêu gọi các biện pháp cải thiện điều kiện nuôi nhốt công nghiệp với động vật. Yêu cầu của họ - nếu thành công - sẽ mang lại thay đổi lớn trong các mô hình chăn nuôi của Pháp, đặc biệt là nghề nuôi ngỗng vỗ béo để lấy gan làm món gan ngỗng béo.
TTO - Chính quyền Anh cho biết sẽ cấm xuất khẩu động vật sống để giết mổ và vỗ béo, thăm dò khả năng cấm bán gan ngỗng Foie Gras trong một phần của kế hoạch phúc lợi hậu Brexit.
Xem thêm: mth.97180739091111202-tav-gnod-iad-cougn-iougn-ut-ob-taul-auq-gnoht-pahp/nv.ertiout