Hà Nội - Trước việc người dân sinh sống trên địa bàn thành phố đã làm hồ sơ cấp căn cước công dân song có một số phải khai lại, Công an Hà Nội đã giải thích nguyên nhân.
Trong mấy ngày gần đây, nhiều người dân ở một số quận sống trên địa bàn thành phố Hà Nội nhận được thông tin phải làm lại hồ sơ căn cước công dân gắn chip.
Trao đổi với phóng viên chiều nay (19.11), chị H (38 tuổi, quận Hoàng Mai) nói, vừa phải đến trụ sở công an sở tại để làm lại thủ tục cấp căn cước công dân gắn chip.
Hồi tháng 3, chị đã đi làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân gắn chip lần đầu. Đến hôm 8.11, chị nhận được thông báo từ công an, dữ liệu làm thẻ của chị trùng vân tay nhưng không trùng ảnh chân dung.
Gia đình chị T cũng ở quận Hai Bà Trưng, có 3 người đều làm căn cước công dân gắn chip từ ngày 30.4. Sau nhiều tháng chưa nhận, chị đã liên lạc với công an sở tại và được hẹn "chờ vài hôm".
Tuy nhiên, hôm nay (19.11), chị được thông báo thông tin của chị "có thể bị thất lạc hoặc sai sót" nên cần lên trụ sở để khai lại.
Cùng nhận được thông báo đến làm lại thủ tục cấp thẻ gắn chip, chị T.H (ở quận Hai Bà Trưng) cho biết, gia đình gồm 3 người đi làm căn cước công dân gắn chip lần đầu vào tháng 4 ở phường Vĩnh Tuy.
Sau nhiều tháng chờ nhận thẻ mới, cuối tháng 9, chị bất ngờ nghe công an sở tại thông báo ra khai báo lại thông tin về nhân thân để cấp căn cước công dân gắn chip.
Tuy nhiên, chị cùng chồng và một người con chỉ phải khai lại tờ khai, không cần lăn vân tay và chụp ảnh chân dung.
Trao đổi với Báo Lao Động, một lãnh đạo Công an Hà Nội cho hay, không có chuyện thất lạc hay mất dữ liệu đề nghị cấp căn cước công dân gắn chip của người dân.
Những người được công an khu vực đề nghị đi khai báo lại bởi có thông tin bị sai sót như tên tuổi, địa chỉ, ngày, tháng năm sinh. Thậm chí một dấu chấm, dấu phảy hay sai "L" với "N" hệ thống cũng không nhận nên cảnh sát phải mời công dân ra để xác minh lại.
Theo lãnh đạo này, căn cước công dân đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối nên nhà chức trách phải làm "rất cẩn trọng". Hiện nay khó khăn lớn nhất là những người liên tục thay đổi nơi cư trú, tạm trú.
Cụ thể, công dân tạm trú như sinh viên hay người lao động ngoại tỉnh trước và sau đợt dịch, nhiều trường hợp đã di chuyển chỗ ở.
Lấy ví dụ cụ thể, vị lãnh đạo này cho hay, thời điểm làm căn cước, ông A tạm trú ở một phường, thường trú ở một phường. Khi dữ liệu nhập lên hệ thống, ông A lại chuyển đi nơi khác nên dữ liệu của công an phường nơi ông này thường trú lại không khớp, hệ thống sẽ không nhận.
"Do đó, cảnh sát khu vực phải mời họ đến làm việc để khai lại và đối chiếu thông tin", vị lãnh đạo Công an Hà Nội giải thích thêm.
Theo vị lãnh đạo này, người dân làm căn cước vào thời điểm hiện nay rất có lợi bởi sau đó mỗi người sẽ có một mã số định danh cá nhân và mã QR riêng.
Trên căn cước cũng tích hợp các thông tin như tiêm chủng, an sinh xã hội, bảo hiểm xã hội,... giúp người dân giảm thiểu các giấy tờ.
Mặt khác, trong quá trình thu thập lại thông tin dân cư để cấp căn cước công dân, người có hộ khẩu thường trú có nhiều thuận lợi hơn và có thể sớm nhận được thẻ gắn chip.
Trước đó, Công an Hà Nội thông tin, từ ngày 31.12.2020, các đơn vị đã thu nhận khoảng 5 triệu hồ sơ căn cước công dân điện tử.
Đến tháng 10 vừa qua, qua rà soát, trên địa bàn Hà Nội còn khoảng 1 triệu công dân đủ 14 tuổi trở lên chưa được cấp căn cước công dân điện tử, không phân biệt thường trú hay tạm trú.
Xem thêm: odl.755579-pihc-nag-nad-gnoc-couc-nac-ueil-ud-ial-iahk-iahp-iougn-ueihn-oas-iv/taul-pahp/nv.gnodoal