Tại buổi nói chuyện này, khi được hỏi liệu có kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống khách sạn ra nước ngoài hay không, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup đã sớm khẳng định, Vingroup đã có chiến lược đầu tư nước ngoài và thời điểm đó đã quy hoạch 9 nước để tập trung phát triển hệ thống khách sạn Vinpearl.
Ông Vượng chia sẻ, quan điểm của ông là nếu cách đây 50-70 năm, những thương hiệu như Sofitel, Sheraton... đều bắt đầu từ con số không và đến nay đã có thương hiệu quốc tế, thì tại sao Vingroup lại không làm?
"Chúng tôi cũng 'thắt lưng buộc bụng', 'bỏ ống' mỗi nơi một cái vài trăm triệu (USD - PV) và sau đó về lâu dài sẽ xây dựng được hệ thống khách sạn với thương hiệu không phải nội địa nữa, mà là thương hiệu quốc tế, đẳng cấp" - ông Vượng bộc bạch và nói thêm, các thị trường như Mỹ, Úc, Canada, Singapore, các nước châu Âu đang là những nơi mà Vingroup quyết liệt tìm kiếm cơ hội. Ông mong rằng sẽ có cơ hội thúc đẩy việc này, để trước tiên là làm thương hiệu, khuếch trương thanh thế của doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Lê Đăng Dũng, thời điểm đó là Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, đã đưa cho ông Vượng một "lời khuyên". Ông Dũng nói: "Nếu anh có chiến lược đi đầu tư nước ngoài, tôi khuyên anh đừng làm ở Mỹ, châu Âu vội".
Trên thực tế, Viettel hiện là công ty Việt Nam thành công nhất trong lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài. Trong 10 thị trường quốc tế mà Viettel đầu tư vào viễn thông, 5 thị trường Viettel đứng vị trí số 1 về thị phần (Campuchia, Lào, Myanmar, Đông Timor, Burundi), với 3 thị trường có thị phần gần 60%. Dòng tiền lũy kế mà các công ty con của Viettel ở nước ngoài đã chuyển về Việt Nam lên tới hàng tỷ USD.
Ông Dũng cho rằng, ông Phạm Nhật Vượng nên đầu tư vào các nước đang phát triển trước: "Anh sẽ thành công hơn rất nhiều. Tôi chịu trách nhiệm về đầu tư quốc tế của Tập đoàn và cũng đã đi hơn 100 nước trên thế giới. Tôi nghĩ những nước như thế hiện nay đang rất cần dịch vụ, rất cần khách sạn, hơn là Mỹ. Anh bây giờ sang đánh nhau với công ty Mỹ luôn thì không ăn thua nhưng chắc chắn làm ở Myanmar, Lào, Campuchia hay Nepal thì thành công trước, rồi sau đó hãy tấn công sang Mỹ".
Sau đó, trả lời vấn đề này, ông Vượng nói: "Vấn đề đi ra nước ngoài của Vingroup không định hướng là lợi nhuận, mà định hướng là cắm cờ. Nếu cắm vào Myanmar, Campuchia và Lào thì không 'oai' lắm. Đã thế cắm hẳn vào chỗ nào oai nhất mà vẫn kinh doanh được cho nó kinh (cười)".
Mới đây, VinFast - công ty con của Vingroup - đã chính thức công bố và đưa vào hoạt động trụ sở chính của chi nhánh tại Hoa Kỳ. Trụ sở này tọa lạc tại khu vực Playa Vista - được mệnh danh là "Silicon Beach" của thành phố Los Angeles. Đồng thời, công ty này cũng đã cho ra mắt hai mẫu SUV chạy điện tại LA Auto Show và dự kiến sẽ bắt đầu bán tại Hoa Kỳ vào năm tới.
VinFast US cũng dự định sẽ đầu tư xây dựng các văn phòng chi nhánh, tổng đài chăm sóc khách hàng tại nhiều khu vực và triển khai mạng lưới showroom, xưởng dịch vụ để giới thiệu thương hiệu và sản phẩm xe điện tới người tiêu dùng Hoa Kỳ, cũng như xúc tiến các kế hoạch đầu tư trong tương lai.
Trả lời CNN, ông Michael Lohscheller, Giám đốc điều hành VinFast toàn cầu cho hay hiện tại, công ty có kế hoạch sản xuất những chiếc SUV này tại Việt Nam nhưng đã có kế hoạch đặt một nhà máy ở Mỹ vào nửa cuối năm 2024.
Với việc cắm cờ tại Playa Vista, VinFast đã trở thành hàng xóm của nhiều "ông lớn" công nghệ nước Mỹ. Tòa nhà được VinFast chọn làm trụ sở chỉ cách trụ sở của Facebook tại Los Angeles 1,1 dặm (khoảng 1,7 km). VinFast cũng sẽ ở gần Microsoft, chỉ cách khoảng 0,7 dặm (khoảng 1,1 km); Youtube, cách khoảng 1 dặm (khoảng 1,6 km) và Fox Sport Media.
Về khởi đầu, Vinfast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã có màn ra mắt hoành tráng. Giờ sẽ là lúc mọi người chờ đợi sau khi "cắm cờ", những chiếc xe điện mang thương hiệu Việt Nam tấn công vào thủ phủ của xe điện thế giới, sẽ có kết quả ra sao. Thời gian sẽ cho câu trả lời.
Hoàng Hà
Nhịp sống kinh tế