HÀ NỘI - Nhu cầu về nguyên liệu sản xuất và hàng hóa tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp thường tăng mạnh vào dịp cuối năm nên hoạt động buôn lậu, hàng giả dự báo sẽ diễn biến vô cùng phức tạp.
1.230 vụ bị xử lý trong tháng 10.2021
Đánh giá về hoạt động buôn lậu, hàng cấm, hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm an toàn thực phẩm và gian lận thương mại trên địa bàn Thành phố trong thời gian vừa qua, ông Chu Xuân Kiên, Phó Trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo 389 TP.Hà Nội, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội cho biết, tình trạng này vẫn còn xảy ra, chủ yếu là đối với nhóm các mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ cao như mỹ phẩm, thực phẩm, thực phẩm chức năng, các mặt hàng phòng chống dịch COVID-19…
Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, các Bộ, ngành Trung ương, UBND Thành phố, Ban Chỉ đạo 389 Thành phố luôn xác định công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là nhiệm vụ trọng tâm, qua đó chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện các vụ việc vi phạm.
Theo báo cáo kết quả công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả tháng 10, triển khai nhiệm vụ tháng 11.2021, trong tháng 10, các lực lượng chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hà Nội đã thanh tra, kiểm tra 1.339 vụ; xử lý hành chính: 1.230 vụ. Khởi tố 5 vụ đối với 9 đối tượng. Trong đó, hàng cấm, hàng lậu 137 vụ; hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ 22 vụ; gian lận thương mại 1.071 vụ. Tổng số thu nộp ngân sách nhà nước 156 tỉ 123 triệu đồng.
Cũng trong tháng 10, Cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra 99 vụ, xử lý 101 vụ (trong đó xử lý 02 vụ tồn). Phạt hành chính: 2 tỉ 474 triệu đồng. Trị giá hàng hóa vi phạm: 12 tỉ 487 triệu đồng.
Mở cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp cuối năm
Cả nước đang từng bước khôi phục sản xuất kinh doanh nên những tháng cuối năm, đặc biệt khi Tết Nhâm Dần năm 2022 tới gần thì tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm sẽ diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo 389 TP Hà Nội xác định, tiếp tục tăng cường công tác chỉ đạo các lực lượng chức năng đẩy mạnh đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vào các tháng cuối năm, nhất là tại các tuyến, địa bàn, lĩnh vực trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Đồng thời, tập trung kiểm soát hoạt động vận chuyển trái phép các mặt hàng phòng, chống dịch COVID-19, lợi dụng thương mại điện tử để buôn lậu, kinh doanh hàng giả và các mặt hàng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm về hàng nhập lậu, hàng giả, hàng cấm...
Đặc biệt chú trọng công tác quản lý tốt địa bàn; kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý hàng hóa, không niêm yết giá và bán không đúng giá niêm yết. Gắn trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực, mặt hàng mới nổi để kịp thời đấu tranh, ngăn chặn, xử lý.
Các đơn vị khác như Công an TP, Sở Y tế, Sở Công Thương, Cục Thuế, Cục Hải quan Hà Nội… cũng phối hợp triển khai kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đối với các mặt hàng; kiểm tra kho tàng, bến bãi, điểm tập kết hàng hóa trước, trong và sau Tết trên địa bàn TP.Hà Nội.
Trong đó, Cục QLTT Hà Nội đã yêu cầu các đội QLTT chủ động làm tốt điều tra cơ bản, nắm tình hình thị trường, lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại. Tập trung kiểm tra, kiểm soát các kho hàng, bến bãi chứa hàng hóa, các địa bàn trọng điểm như chợ Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm), chợ Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm), ga Yên Viên, ga Gia Lâm và các bến xe, sân bay... Tập trung vào các mặt hàng trọng điểm như xăng dầu, rượu, bia, thuốc lá, hàng điện tử, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm...
Xem thêm: odl.285579-man-iouc-pid-aig-gnah-ual-noub-gnohc-meid-oac-om/et-hnik/nv.gnodoal