Đó là thông tin được đưa ra tại "Hội nghị cung cấp thông tin về phòng vệ thương mại cho các cơ quan báo chí" do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Công thương phối hợp tổ chức trực tuyến vào sáng nay.
Theo Phòng thương mại và Công nghiệp Việt nam (VCCI), tính đến tháng 10-2021, trong số các thị trường kiện phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu Việt Nam thì Mỹ chiếm nhiều nhất với 37 vụ kiện (chiếm tỉ lệ 18,1%), kế đến là Ấn Độ với 29 vụ kiện (14,2%) và thứ ba là Thổ Nhĩ Kỳ với 24 vụ (chiếm 11,8%). Nhóm sản phẩm sắt, thép, nhôm, đồng bị kiện nhiều nhất.
Ở trong nước, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã biết sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để kiện các sản phẩm nhập khẩu vi phạm các quy định WTO. Các doanh nghiệp Việt đã kiện 25 vụ việc chống bán phá giá.
Theo ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương), trong các vụ việc điều tra áp dụng các biện pháp thương mại tại Việt Nam thì người tiêu dùng chắc chắn bị ảnh hưởng.
Một vụ việc phòng vệ thương mại, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) không thể không tiến hành điều tra xem có thể áp dụng chống bán phá giá hay không, nếu có đơn kiện doanh nghiệp trong nước và đúng quy định của pháp luật.
Thứ 2 các doanh nghiệp chứng minh được có hành vi bán phá giá, có hành vi trợ cấp đối với hàng hóa được nhập khẩu. Thứ ba là chứng minh được có thiệt hại với ngành sản xuất trong nước. Cuối cùng là chứng minh có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi bán phá giá với thiệt hại đã xảy ra.
"Chúng tôi không thể vì ảnh hưởng đến người tiêu dùng, hay đến đối tượng nào khác trong xã hội mà từ chối điều tra. Nếu nguyên đơn đã chứng minh được 4 vấn đề nêu trên là phải tiến hành điều tra. Khi điều tra, nếu đúng như các vấn đề đã nêu thì sẽ buộc phải có mức thuế phù hợp", ông Thái nói.
Tất nhiên, một khi đã đánh thuế với hàng nhập khẩu được xác định bán phá giá thì có tác động đến nhiều phía. Đầu tiên là có lợi với nhà sản xuất trong nước, vì doanh nghiệp được hưởng lợi môi trường cạnh tranh công bằng. Bên cạnh đó, người tiêu dùng từng được hưởng lợi từ hàng bán phá giá với giá rẻ thì bây giờ phải sử dụng hàng đó với mức giá cao hơn.
"Nếu Việt Nam đi theo hướng giá rẻ phục vụ lợi ích người tiêu dùng thì đất nước sẽ không còn doanh nghiệp sản xuất Việt nào nữa. Khi không còn ngành sản xuất nữa thì thị trường nội địa trở thành nơi nước ngoài lũng đoạn", ông Thái lý giải.