Phiên giao dịch cuối tuần 19/11 khép lại với nhiều cung bậc cảm xúc cho nhà đầu tư, tuy nhiên phần đa là không mấy tích cực. Thị trường đã ghi nhận biến động mạnh nhất kể từ đầu tháng 11 tới nay, chấm dứt chuỗi tăng giảm đan xen với biên độ hẹp.
Theo đó, ngay trước phiên ATC, áp lực bán chốt lời của hàng loạt cổ phiếu vừa và nhỏ sau chuỗi tăng "nóng" đã khiến chỉ số chính của thị trường VN-Index "rơi tự do", có thời điểm đánh mất hơn 36 điểm, hơn 410 cổ phiếu đỏ lửa trong khi bên tăng chỉ 60 cổ phiếu.
Tuy nhiên, lực bắt đáy xuất hiện khi các cổ phiếu chạm ngưỡng giá sàn giúp thị trường có sự phục hồi trở lại. Thậm chí, nhiều cổ phiếu penny ngay khi giảm sàn đã bứt tốc quay lại tăng hết biên độ và giữ nguyên mức giá trần đến khi kết phiên như TNI, DAG, EVG... Chốt phiên, VN-Index giảm 17 điểm về 1,452.35 tương đương mức giảm 1,19%; HNX-Index giảm 14,75 điểm (3,15%) còn 453,97 điểm trong khi UPCoM-Index giảm 0,28 điểm (0,25%) còn 113,24 điểm.
Đặc biệt, trong ngày vốn hóa thị trường mất đi hàng chục nghìn tỷ đồng, dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường giúp giá trị giao dịch trên tổng ba sàn ghi nhận 56.337 tỷ đồng (2,45 tỷ USD) - vượt xa kỷ lục 52.144 tỷ đồng thiết lập trong phiên 3/11 trước đó, qua đó ghi nhận đỉnh cao nhất trong vòng 21 năm lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam đi vào hoạt động. Giữa lúc thị trường đang gay cấn, nhiều nhà đầu tư lại tiếp tục gặp sự cố lỗi giao dịch tại các công ty chứng khoán lớn như VPS, TCBS..., càng gây nên tâm lý bất an.
Xét riêng trên sàn HoSE, giá trị giao dịch cũng lập kỷ lục mới khi đạt 44.802 tỷ đồng, tăng gần 10.000 tỷ đồng so với phiên hôm qua. Mức thanh khoản này vượt xa phiên cũ gần nhất được xác lập vào 3/11. Thanh khoản của hai chỉ số trên sàn Hà Nội gồm HNX-Index và UPCoM-Index cũng lập kỷ lục mới, lần lượt đạt 6.470 tỷ đồng và 5.065 tỷ đồng.
Dòng tiền chảy mạnh nhất vào nhóm ngân hàng với giá trị giao dịch đạt hơn 10.000 tỷ đồng. Ngược với đà rơi chung của thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu vua đã quay lại với sức mạnh bất ngờ, hầu hết cổ phiếu ngân hàng tăng giá trong đó các mã vốn hóa lớn như HDB, ACB, CTG...tăng mạnh mẽ.
Trái lại, nhóm bất động sản, xây dựng quay đầu giảm mạnh, IJC, DRH giảm sàn trong khi KBC, TDC, HBC cũng hạ xuống sát giá sàn. Ngoài ra, hàng loạt mã SZC, NLG, HTN, TDH giảm mạnh hơn 5%.
Tính riêng theo từng mã cổ phiếu, cổ phiếu HPG đứng đầu về cả khối lượng lẫn giá trị giao dịch, lần lượt đạt hơn 48 triệu cổ phiếu và khoảng 2.400 tỷ đồng. Tuy vậy, đây vẫn là phiên giao dịch buồn với cổ đông của ông lớn ngành thép khi thị giá tiếp tục lao dốc, giảm gần 2.000 đồng tương ứng giảm gần 4% về 48.000 đồng/cổ phiếu. Nếu so với mức giá của một tháng trước, cổ phiếu HPG giảm 16%, có nghĩa là vốn hóa của HPG đã bốc hơi hơn 41.000 tỷ đồng.
Theo sau, TCB, SSI và GEX xếp tiếp theo về giá trị giao dịch. Còn nhìn theo khối lượng, các cổ phiếu penny vẫn chiếm lĩnh những vị trí đầu bảng như FLC, ITA và HQC.
Trong phiên thị trường đỏ lửa, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục bán ròng trên cả 3 sàn, giá trị xấp xỉ 780 tỷ đồng, trong đó giá trị bán ra xấp xỉ 2.400 tỷ đồng, tập trung nhiều nhất hàng trăm tỷ tại HPG, VPB trong khi mua vào chỉ khoảng 1.600 tỷ đồng.
Thanh khoản trên thị trường chứng khoán tăng mạnh khi VN-Index hướng đến ngưỡng điểm mới 1.500 điểm
Từ đầu năm 2020 đến nay, làn sóng nhà đầu tư mới ồ ạt đổ vào thị trường đã giúp thanh khoản tăng mạnh. Năm 2020, thanh khoản bình quân mỗi phiên giao dịch HoSE đạt 6.190 tỷ đồng, tăng 58% so với năm trước. Sang năm 2021, dù tình trạng tắc nghẽn song dòng tiền tiếp tục đổ mạnh vào thị trường khiến thanh khoản thường trên ngưỡng 15.000 tỷ đồng mỗi phiên, những phiên giao dịch trên 23.000 tỷ đồng (~1 tỷ USD) đã xuất hiện nhiều hơn.
Sau khoảng quý 3 giao dịch có phần trầm lắng hơn theo xu hướng đi ngang của thị trường, thị trường chứng khoán đặc biệt sôi động kể từ khoảng cuối tháng 10 trở lại đây khi VN-Index đã chính thức bứt phá khỏi những nhịp lình xình để liên tục ghi nhận những mốc điểm mới. Kéo theo đó, nhà đầu tư không thể ngồi im khi thị trường liên tục bứt phá và hướng tới vùng điểm 1.500 điểm nên đã mạnh tay đổ tiền vào chứng khoán.
Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, hầu hết các phiên kỷ lục về thanh khoản gần nhất là 19/11 và 3/11 hay xa hơn là 20/8 đều đi kèm với những "cú rơi" mạnh của thị trường. Nhiều nhà đầu tư hoảng loạn bán tháo cổ phiếu rồi lại lao vào nhằm bắt đáy những mã giảm sàn khiến tần suất giao dịch bị đẩy lên nhanh chóng cũng là nguyên nhân đẩy thanh khoản lên mức cao kỷ lục.
Phương Linh
Doanh nghiệp và Tiếp thị