Một sĩ quan cảnh sát tiêm ngừa COVID-19 tại thành phố Prague, CH Czech - Ảnh: REUTERS
Đối diện với đợt dịch mới, giới chức y tế tại Hà Lan bắt đầu hoãn phẫu thuật cho những người mắc ung thư hoặc bệnh tim nhằm có thêm chỗ cho phòng chăm sóc đặc biệt (ICU).
Người phát ngôn của LCPS - tổ chức chịu trách nhiệm phân bổ nguồn lực y tế của Hà Lan - cho biết các bệnh nhân ung thư hay mắc bệnh tim thường cần phải được phẫu thuật trong vòng 6 tuần kể từ khi được chẩn đoán, và thường ít ai có thể đáp ứng được yêu cầu này.
Hôm 18-11, Hà Lan đã ghi nhận kỷ lục đáng buồn với hơn 23.000 ca nhiễm mới, cao hơn hẳn so với kỷ lục 13.000 ca kỷ lục trước đó vào tháng 12-2020. Với chưa tới 200 giường ICU còn trống, các bệnh viện tại đây đang nỗ lực để tạo thêm chỗ trống.
Du khách trượt tuyết tại khu vực Madonna di Campiglio, phía bắc nước Ý, trong ngày 20-11 - Ảnh: REUTERS
Theo số liệu do Bộ Y tế Cộng hòa Czech công bố ngày 20-11, quốc gia này đã ghi nhận số ca COVID-19 mới cao nhất vào ngày 19-11 với 22.923 trường hợp.
Từ đầu tuần, CH Czech đã siết chặt quy định đối với những người chưa tiêm vắc xin để đẩy tỉ lệ tiêm chủng tăng lên, giảm gánh nặng cho các bệnh viện.
Bộ Y tế Ý đã báo cáo thêm 49 ca tử vong vì COVID-19 vào ngày 20-11. Số ca nhiễm mới tại Ý cùng ngày cũng tăng từ 10.544 lên 11.555 người.
Ý đã ghi nhận 133.131 trường hợp tử vong liên quan đến COVID-19 kể từ tháng 2-2020, đứng thứ 2 ở châu Âu sau Anh và thứ 9 trên thế giới. Quốc gia này đã ghi nhận 4,9 triệu trường hợp mắc COVID-19 cho đến nay.
Dù vậy, các khu trượt tuyết ở phía Bắc nước này vẫn tiếp tục mở cửa trở lại trong mùa đông sau nhiều tháng dài phong tỏa. Mặc cho nỗi sợ chính quyền sẽ áp dụng một đợt giới hạn mới, chủ nhân của những khu trượt tuyết này cho biết họ đã chuẩn bị sẵn sàng cho mọi tình huống.
Bộ Y tế Brazil ghi nhận thêm 8.833 ca nhiễm mới và 217 trường hợp tử vong vì COVID-19 trong ngày 20-11.
Quốc gia Nam Mỹ này hiện đã có hơn 22 triệu ca nhiễm và hơn 610.000 người chết vì đại dịch.
Hà Lan đã ghi nhận kỷ lục đáng buồn với hơn 23.000 ca nhiễm mới vào ngày 18-11 - Ảnh: REUTERS
Châu Âu khuyến nghị dùng thuốc của Merck cho người có nguy cơ cao
Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) mới đây đã khuyến nghị đưa thuốc trị COVID-19 của Hãng dược Merck vào dùng thử. Đối tượng sẽ là người bệnh trưởng thành, không cần hỗ trợ thở oxy và có nguy cơ trở nặng.
Cụ thể, bệnh nhân sẽ theo liệu trình uống thuốc 2 lần/ngày trong vòng 5 ngày kể từ khi có các triệu chứng đầu tiên. Tuy nhiên, EMA khuyến cáo không nên sử dụng thuốc để điều trị cho phụ nữ đang mang thai hoặc có ý định mang thai.
Ở một diễn biến khác, ngày 20-11, Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) Trung Quốc cho biết 76,3% dân số của họ đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19, tương đương với 1.076 tỉ người.
Khác với Trung Quốc, tốc độ tiêm chủng ở Iraq diễn ra khá chậm chạp. Theo Hãng tin AFP, hệ thống y tế Iraq đang gặp nhiều khó khăn để chiến đấu với đại dịch sau nhiều năm chìm trong xung đột, tham nhũng và bị bỏ bê.
76,3% dân số Trung Quốc đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin COVID-19 - Ảnh: REUTERS
Ngày 20-11, Iraq đã tiếp nhận 1,2 triệu liều vắc xin Pfizer-BioNTech thông qua chương trình chia sẻ vắc xin COVAX. Cho đến nay, chưa tới 7 triệu dân Iraq đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin COVID-19, tương đương với chỉ 17,5% trong số 40 triệu dân của quốc gia này.
Trong khi đó, chính phủ Singapore đã bắt đầu nới lỏng một số biện pháp giãn cách xã hội, sau khi số ca nhiễm ổn định trở lại trong tháng qua. Từ ngày 22-11, Singapore sẽ nới số người tụ tập trong việc tiếp xúc xã hội và ăn uống tại hàng quán từ 2 lên 5 người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin.
TTO - Tuần này, số ca mắc mới theo ngày trên thế giới tăng 9% trên toàn cầu so với tuần trước đó, lên mức bình quân 517.600 ca trong 24 giờ, nhưng có sự chênh lệch lớn giữa các khu vực.