Minh họa: ĐỨC TRÍ
Tôi có gặp một cô gái trẻ tầm 25 tuổi, nhanh nhẹn, dịu dàng. Cô làm tiếp viên tại một nhà hàng theo phong cách Nhật khá sang trọng ở quận 1, TP.HCM. Cô dứt khoát từ chối khi bạn tôi, một doanh nhân, đưa tiền tip.
Cô ấy nói: "Em không bao giờ nhận tiền của khách". Bạn tôi động viên: "Nhận đi em, mấy tháng rồi dịch giã, nhà hàng đóng cửa, không có lương, hôm nay phá lệ một bữa, chẳng sao đâu". Cô ấy vẫn lắc đầu, khiến cô bạn cùng làm dù rất muốn nhận nhưng cũng buộc lòng từ chối.
Tôi đi khắp ba miền đất nước, lê la không thiếu nhà hàng lớn nhỏ, quả thật là chưa hề gặp tình huống nào tương tự. Tôi đem chuyện này ra đặt lên bàn cà phê với bạn bè, người quen. Thật bất ngờ có nhiều ý kiến khác nhau, tựu trung lại, có mấy nhóm như sau:
Nhóm thứ nhất thật sự ngạc nhiên, coi đây là trường hợp cá biệt. Họ còn viện dẫn văn hóa không nhận tip rất phổ biến ở Nhật, là niềm tự hào của người dân. Tại Việt Nam, một số nhà hàng kiểu Nhật có cấm nhận tip nhưng hầu như thất bại, nhân viên chỉ làm thời gian ngắn rồi bỏ việc, rốt cuộc phải làm ngơ cho phục vụ bàn nhận tip.
Nhóm thứ hai dứt khoát không tin. Họ nói thật không hay "chém"?
Nhóm thứ ba cho rằng cô gái có vấn đề về… thần kinh. Họ nói: bệnh sĩ nặng, nghèo còn chảnh! Hoặc: làm màu thôi, cứ nhét tiền vào túi, chả từ chối đâu!
Nhóm thứ tư không thích chuyện phải tip. Họ nói nhà hàng đã tính tiền phục vụ, hà cớ gì phải trả thêm khoản tiền tip. Ở nước ta tip là hiện tượng phức tạp: có khi là lời cảm ơn, có khi là rủ lòng thương hại, có lúc là một âm mưu lâu dài của trò mồi chài phụ nữ, hay chỉ đơn giản là để thể hiện… bản lĩnh đàn ông. Từ những suy nghĩ này, họ khẳng định tiền tip không sạch sẽ.
Câu chuyện cô gái không nhận tip hóa ra chẳng đơn giản. Một sự việc nhiều góc nhìn.
Đừng nói chuyện tip ở nhà hàng, ngay cả nhiều công chức cũng nhận tiền tip dưới dạng phong bì. Vụ này chắc chắn là không tử tế, nhưng mọi người vẫn có cách nghĩ không đồng nhất. Đáng tiếc là đa phần đang nghiêng về hướng "văn hóa phong bì", coi đây là việc bình thường, thậm chí không nhận thì sợ bị nói này nọ.
Bạn hãy thử nghĩ đi dự họp hay dự hội thảo, tại nơi phát tài liệu người ta đưa phong bì chỉ một vài trăm ngàn đồng, nếu bạn từ chối, tôi tin là sẽ có hàng chục con mắt nhìn bạn không thiện cảm lắm. Hội họp còn vậy, những việc như đi bệnh viện, xin học, xin chứng giấy tờ… thì khỏi bàn, mặc nhiên là phải có tip kiểu "đập dẹp bỏ bao thư".
Muốn nói thế nào thì nói, phải thừa nhận rằng những người có lòng tự trọng luôn biết từ chối những đồng tiền còn lắm thứ lợn gợn như tiền tip. Buồn thay những người như vậy thường không nhiều, càng buồn hơn khi lối sống nhận tiền đang diễn ra bằng các hình thức như "cảm ơn", "bồi dưỡng" hoặc "biết điều"…
Hiện vấn nạn này như một thứ bệnh dịch lan ra mọi ngõ ngách không ít trong các công sở.
Người đời thường nói: "Gieo suy nghĩ, gặt hành vi. Gieo hành vi, gặt thói quen. Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận".
Thực tế cho thấy không ít quan chức ban đầu chỉ nhận những thứ đại loại như tiền tip, sau đó tiến lên đòi hỏi, đặt giá, yêu cầu lại quả những con số lớn, rồi lấy cả những cái người ta không cho như tip mà lấy của công, ăn trộm của công…
Mọi cái dần dần lấn tới, biến hóa thành quy trình lắt léo, kết cục tất yếu là rất dễ thành "củi" để bị vào "lò".
Tiền tip nhỏ thôi, giá như nó chỉ khu trú ở nhà hàng. Nhưng nếu nó được phổ cập diện rộng trong xã hội thì có thể tha hóa nhiều người thành kẻ vô liêm sỉ.
TTO - Hơn 20 năm trước, sau khi kết thúc phỏng vấn một doanh nghiệp chuẩn bị ra về, ông giám đốc có đưa cho tôi một phong bì, nói rằng để "uống nước".
Xem thêm: mth.67622847012111202-ib-gnohp-aoh-nav-av-pit-neit/nv.ertiout