DeFi (tài chính phi tập trung) thường được coi là “miền viễn Tây vô luật” của thế giới tiền mã hóa. Nhiều dịch vụ DeFi thường hứa hẹn người dùng tỷ lệ sinh lời cao mà không có sự tham gia của các bên trung gian như ngân hàng. Sản phẩm tiết kiệm và cho vay với lãi suất cao thường xuyên có mặt trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, vì nằm trong một lĩnh vực còn rất trẻ như tiền mã hóa, các nền tải DeFi không được quản lý. Theo số liệu từ Elliptic, một công ty chuyên về tư vấn quản lý tiền mã hóa và theo dõi dòng tiền trên mạng lưới tiền mã hóa có trụ sở tại London, lượng tiền bị mất do lừa đảo và trộm từ các nền tảng DeFi trong năm 2021 là khoảng 10,5 tỷ USD.
Tom Robinson, người đứng đầu bộ phận kỹ thuật tại Elliptic, cho biết: “Hệ sinh thái DeFi đang phát triển vô cùng nhanh chóng, với nhiều đổi mới về dịch vụ tài chính xuất hiện trong chớp mắt. Điều này đang hấp dẫn lượng vốn lớn vào các dự án không phải lúc nào cũng có nền tảng vững chắc và dễ bị lợi dụng bởi tội phạm”.
Trong 2 năm qua, tổng lượng tiền được gửi vào các dịch vụ DeFi đã tăng từ mức 500 triệu USD lên 247 tỷ USD trong bối cảnh giá trị của Bitcoin và nhiều loại tiền mã hóa đã tăng mạnh trong năm nay. Ethereum, nền tảng đứng sau loại tiền mã hóa với vốn hóa thị trường lớn thứ 2 thế giới sau Bitcoin, được coi là “xương sống” của nhiều ứng dụng DeFi.
Nhưng giá trị của thị trường tăng trưởng đã đi kèm với mức độ hoạt động phi pháp cũng tăng theo. Tháng 8 vừa qua, nền tảng DeFi Poly Network đã mất hơn 600 triệu USD trong vụ lấy cắp tiền mã hóa lớn nhất vào thời điểm đó. Số tiền này đã được nhóm tin tặc tấn công thỏa thuận hoàn trả, với lý do tấn công được đưa ra là nhằm làm nổi bật nhiều điểm yếu và lỗ hổng của hệ thống này. Bên cạnh đó, việc các tay lừa đảo hấp dẫn nhà đầu tư mua loại tiền mã hóa của mình rồi chạy trốn sau khi lừa đủ tiền cũng xảy ra không ít.
Giới quản lý tài chính cũng đang lo ngại hơn về sự tăng trưởng nhanh chóng của DeFi. Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) đang yêu cầu thông tin từ Uniswap Labs, một startup đứng sau sàn giao dịch tiền mã hóa phi tập trung cùng tên, về cách các nhà đầu tư sử dụng nền tảng này và cách sàn giao dịch được quảng bá.
Một đại diện của Uniswap Labs cho biết công ty này cam kết chấp hành pháp luật và hỗ trợ giới chức Mỹ về yêu cầu của họ. Nhưng theo các chuyên gia, vấn đề ở đây là các dịch vụ DeFi thường quảng cáo rằng chúng phi tập trung về bản chất, trong khi thực tế có thể không phải như vậy.
Lực lượng Đặc nhiệm Hành động Tài chính (FATF), một tổ chức quốc tế về theo dõi chống rửa tiền toàn cầu, gần đây đã cập nhật bản hướng dẫn của mình về chính sách quản lý thị trường tiền mã hóa và kêu gọi các quốc gia xác định các cá nhân “có quyền kiểm soát hoặc gây ảnh hưởng” lên các chương trình DeFi.
Tùng Phong (Theo CNBC)